Neuralink, công ty cấy ghép chip não của Elon Musk, tuyên bố đã nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người.
Neuralink, công ty được thành lập vào năm 2016, cho biết trong một tuyên bố rằng đây là bước đầu tiên mà “một ngày nào đó sẽ cho phép công nghệ của chúng tôi giúp đỡ nhiều người”.
“Việc tuyển dụng (tình nguyện viên) vẫn chưa bắt đầu cho thử nghiệm lâm sàng của chúng tôi”, công ty của tỷ phú Musk cho biết thêm trên Twitter, hứa hẹn sẽ có thêm thông tin trong những ngày tới.
Trước đó, doanh nhân tỷ phú Elon Musk đã dự đoán vào tháng 12 năm ngoái rằng Neuralink sẽ nhận được sự cho phép từ cơ quan quản lý trong nửa đầu năm nay. Và ông đã đúng, mặc dù quá trình phê duyệt không dễ dàng và từng bị từ chối vào năm ngoái.
Neuralink đã làm dấy lên những kỳ vọng về các sản phẩm của mình trong vài năm trở lại đây. Vào năm 2020, ông Musk đã tuyên bố trong một bài thuyết trình rằng những con chip do công ty sản xuất sẽ có thể chữa khỏi một số bệnh như liệt và mất ngủ. Ông nói thêm rằng chip Neuralink thậm chí có thể mang lại cho người dùng tầm nhìn “siêu phàm”. Vào thời điểm đó, công ty đang trình diễn khả năng cấy ghép chip não đầu tiên trên lợn.
Vào năm 2021, đại diện Neuralink đã thực hiện một trong những bài thuyết trình lan tỏa nhất của mình. Một con khỉ tên Pager ngồi trước tivi và chăm chú theo dõi những gì đang diễn ra trên màn hình – một trò chơi điện tử có tên Pong. Loài linh trưởng này điều khiển các chuyển động chỉ bằng đôi mắt của mình, nhờ vào một thiết bị bán dẫn có kích thước chỉ bằng đồng 25 xu được cấy vào cả hai bán cầu não của nó.
Kể từ năm 2019, Elon Musk đã nhiều lần khoe rằng ông đang tìm kiếm sự chấp thuận của FDA cho các thử nghiệm lâm sàng trên người. Nhưng phải đến năm 2022, các quan chức của công ty mới nộp đơn yêu cầu lên cơ quan quản lý. Theo Reuters, đơn đăng ký đầu tiên của Neutralink đã bị FDA từ chối ngay sau khi được gửi. Cơ quan này được cho là lo ngại về “pin lithium của thiết bị, nguy cơ dây của thiết bị cấy ghép di chuyển trong não và thách thức rút thiết bị ra một cách an toàn mà không làm hỏng mô não”.
Theo một báo cáo đặc biệt của Reuters từ tháng 3, một số nhân viên của Neuralink đã bày tỏ nghi ngại rằng Neuralink có thể nhanh chóng khắc phục các vấn đề mà FDA lo ngại. Kip Ludwig, cựu giám đốc chương trình kỹ thuật thần kinh tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), nói với Reuters rằng “Neuralink dường như không có tư duy và kinh nghiệm cần thiết để sớm đưa sản phẩm này ra thị trường.”
Neuralink không phải là công ty duy nhất chuẩn bị thực hiện các thử nghiệm lâm sàng cấy ghép não trên người. Một trong những đối thủ chính của họ là Paradromics cũng đang tìm kiếm sự chấp thuận của FDA.
Được thành lập vào năm 2015, công ty khởi nghiệp công nghệ thần kinh có trụ sở tại Austin (bang Texas, Mỹ) đã có những bước nhảy vọt với thiết bị cấy ghép. Sản phẩm của họ, có tên Connexus Direct Data, được mô tả như một thiết bị giao tiếp hỗ trợ cho những bệnh nhân mất khả năng nói hoặc đánh máy. Công nghệ đầy hứa hẹn đã khiến FDA trao cho Paradromics danh hiệu “Thiết bị đột phá”, là một chương trình trong đó 32 ứng dụng được trải qua quá trình phê duyệt nhanh hơn, vì chúng có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân trong quá trình điều trị và chẩn đoán.
Một công ty khác cũng thâm nhập vào ngành công nghiệp giao diện não-máy tính (BCI) còn non trẻ là Synchron.
Các công ty này đưa ra những sản phẩm khác nhau về kích thước, trọng lượng và hiệu suất của chất bán dẫn cũng như phương pháp phẫu thuật để gắn chúng vào não người. Nhưng tất cả họ đều lạc quan như nhau về những lợi ích trong tương lai mà họ có thể mang lại cho hàng triệu người.
Theo baotintuc.vn