Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Công ty cổ phần đầu tư CME Solar Investments (CME) cho biết doanh nghiệp này vừa ký kết hợp tác với Vista Global thuộc Samsung C&T để thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời áp mái tại Việt Nam.
Nội dung ký kết thỏa thuận liên doanh CME và Vista Global (Samsung C&T) nhấn mạnh đến việc cam kết của hai bên trong việc thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững và hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.
Cụ thể, liên doanh mang tên CME-Vista đặt mục tiêu kết hợp chuyên môn, nguồn lực và công nghệ để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam và đẩy nhanh áp dụng các giải pháp năng lượng sạch trên toàn quốc.
Đại diện CME cho hay bằng cách kết hợp các lợi thế về tài chính, kỹ thuật, công nghệ năng lượng tiên tiến của Vista Global và Samsung C&T cùng với kiến thức sâu rộng về triển khai tại địa phương của CME, sự hợp tác này nhằm mục đích cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời hiệu suất cao, đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng của Việt Nam.
Ngoài ra, thỏa thuận này nhấn mạnh cam kết của hai bên về tính bền vững và quản lý môi trường, đóng góp tích cực vào cam kết chung của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như các nỗ lực toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Samsung C&T là công ty xây dựng đa quốc gia thuộc Tập đoàn Samsung với kinh nghiệm triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên toàn cầu có tổng công suất lên đến 5.000 MWp, trong khi CME là doanh nghiệp năng lượng đã triển khai hàng loạt dự án điện mặt trời trên mái nhà của nhiều doanh nghiệp FDI nên việc hợp tác này kỳ vọng sẽ giúp liên doanh tăng tốc lắp đặt điện mặt trời ở Việt Nam.
Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì sự phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM, đại diện Samsung đã bày tỏ mong muốn hợp tác với TP phát triển điện mặt trời áp mái, hướng đến phát triển Khu công nghệ cao TP.HCM thành khu công nghiệp net zero (phát thải ròng bằng 0) đầu tiên.
Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp năng lượng
Chính phủ đã ban hành nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn.
Theo các doanh nghiệp, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp năng lượng mua bán trực tiếp đối với các nhà máy, đặc biệt là các nhà máy FDI và các nhà máy sản xuất cần các tiêu chuẩn xanh.
Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể để thực hiện giao dịch. Một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt là FDI, đã bắt đầu đàm phán mua điện trực tiếp từ nhà máy điện mặt trời thông qua lưới truyền tải của EVN, nhưng vẫn cần giá dịch vụ truyền tải từ EVN để hoàn thiện bài toán tài chính.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đang được Bộ Công Thương xây dựng, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không nối với hệ thống điện quốc gia không bị giới hạn công suất cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Sẽ được mua 100% điện dư nếu có bộ lưu trữ
Theo thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng và ban hành nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành mới đây, Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu có các cơ chế chính sách mới.
Trong đó, cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục hành chính với các đơn vị lắp đặt. Trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà có hệ thống lưu trữ, có thể mua 100% công suất điện dư và nghiên cứu cho phép mua điện theo giá từng thời điểm, đồng thời nâng công suất cho điện mặt trời mái nhà.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-ty-con-cua-samsung-bat-tay-voi-doanh-nghiep-viet-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-20240904180557556.htm