Công ty con của CII mua 4,2 triệu cổ phiếu NBB
CTCP Xây dựng hạ tầng CII (CEE), một công ty con của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã CII) vừa đăng ký mua thêm 4,2 triệu cổ phiếu NBB. Thời gian giao dịch dự kiến từ 12/10-10/11 với mục đích đầu tư.
Hiện tại, CEE đang nắm giữ 7,84 triệu cổ phiếu NBB, tương đương với tỷ lệ nắm giữ 7,82% và là cổ đông lớn của công ty. Nếu giao dịch mua vào cổ phiếu diễn ra thành công, NBB sẽ tăng lượng sở hữu lên thành 12,04 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 12,02%.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 10/10/2023, cổ phiếu NBB đang có mức giá 19.350 đồng/cổ phiếu. Như vậy, dự kiến CEE sẽ phải chi ra khoảng 81 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch mua vào nói trên.
Một điểm đáng chú ý đó là cả CEE và NBB đều đang có mối liên hệ với CII. Tại thời điểm kết thúc năm 2022, CII đang nắm 84,42% vốn điều lệ tại CEE. Đồng thời, CII cũng đang nắm 37,52% vốn điều lệ tại NBB. Như vậy, việc mua bán cổ phần giữa CEE và NBB không khác nào việc lấy tài sản từ tay trái bỏ sang tay phải.
Ngoài ra, ông Lưu Hải Ca, Chủ tịch HĐQT của NBB hiện cũng đang là chủ tịch HĐQT của CEE.
NBB kinh doanh ảm đạm, lợi nhuận èo uột, duy trì lãi mức tượng trưng
Việc CEE, một công ty con của CII mua thêm 4,2 triệu cổ phiếu NBB diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của NBB không mấy khả quan, lãi thu về trong nhiều quý gần đây chỉ ở mức tượng trưng.
Từ Quý 3/2021 trở về trước, NBB thường xuyên ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức vài chục cho tới cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, từ Quý 4/2021 trở lại đây, mức lợi nhuận của công ty bất ngờ sụt giảm xuống chỉ còn vài tỷ đồng, thậm chí tại Quý 1/2023, NBB chỉ lãi tượng trưng 133 triệu đồng.
Tại Quý 2/2023, NBB đạt doanh thu 179,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mang về chỉ đạt gần 1,2 tỷ đồng. Luỹ kế doanh thu 6 tháng đầu năm của NBB đạt 193,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 449 tỷ đồng.
Giải trình về biến động doanh thu cùng lợi nhuận, NBB cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm là do việc hoàn trả mặt bằng kinh doanh tại TTTM Carina của một số đơn vị trong giai đoạn đầu năm 2023, dẫn đến sụt giảm doanh thu và lợi nhuận trong lĩnh vực này.
NBB kinh doanh không hiệu quả, công ty con trong hệ sinh thái của CII vẫn “ôm” thêm 4,2 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu. Động thái này khiến một số cổ đông cảm thấy khó hiểu, nhất là khi chính CII cũng đang gặp vấn đề trong cơ cấu nguồn vốn với khối nợ vay 13.000 tỷ đồng.
CII chật vật với khối nợ 13.000 tỷ, dự định phát hành 7.000 tỷ trái phiếu để tái cơ cấu
Tại cuối Quý 2/2023, nợ vay ngắn hạn của CII tăng thêm 615,6 tỷ đồng, lên mức 6.039,4 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn cũng chiếm tới 7.112,3 tỷ đồng trong cơ cấu nguồn vốn. Như vậy, tổng lượng nợ vay của CII đã lên tới 13.151 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của CII tính đến hết Quý 2 chỉ có 8.106,8 tỷ đồng. Như vậy riêng nợ vay đã cao hơn 62,2% so với vốn chủ sở hữu, cho thấy rủi ro hiện hữu trong cơ cấu nguồn vốn của CII.
Cũng trong Quý 2, chỉ tính riêng chi phí lãi vay, CII đã phải trả tới 363,3 tỷ đồng. Tương ứng với việc mỗi ngày CII đang phải “gồng gánh” 4 tỷ đồng tiền lãi.
Về vấn đề nợ trong cơ cấu nguồn vốn, vừa qua trong tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 17/10 tới đây, CII cũng đã nêu một số phương án giải quyết.
Công ty đang dự định lên kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn bằng việc phát hành thêm 7.000 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, CII sẽ làm việc với một tổ chức tài chính quốc tế để bảo lãnh thanh toán các trái phiếu trị giá 2.400 tỷ đồng, thời hạn 10 năm.
Ngoài ra, CII dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng, thời hạn 10 năm.