Từ tháng 10/2024 đến nay, BAF Việt Nam đã tiến hành M&A đối với 11 công ty chăn nuôi tại các địa phương Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk và Bình Phước. Trước đó vào đầu năm 2024, công ty này cũng mua lại 99,9% vốn góp tại CTCP Chăn nuôi CNC Thành Đạt Gia Lai.
BAF xây trang trại bằng chiến lược M&A thần tốc
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) vừa thông báo sẽ nhận chuyển nhượng 60% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Chăn nuôi Minh Phát và cả 60% vốn tại Công ty TNHH Chăn nuôi Nhất Quyết.
Đây là hai công ty chăn nuôi có cùng mức vốn điều lệ 60 tỷ đồng tại tỉnh Bình Phước. Người đại diện theo pháp luật là bà Đặng Thị Ngọc Dung; hoạt động chính là cho thuê chuồng trại chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
BAF đang nổi lên như một hiện tượng trong ngành chăn nuôi với chiến lược M&A mạnh mẽ. Tính từ tháng 10/2024 đến nay, BAF Việt Nam đã tiến hành M&A đối với 11 công ty chăn nuôi tại các địa phương Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk và Bình Phước. Còn trước đó vào đầu năm 2024, công ty này cũng mua lại 99,9% vốn góp tại CTCP Chăn nuôi CNC Thành Đạt Gia Lai.
BAF Việt Nam cho biết các doanh nghiệp chăn nuôi được M&A đợt này đều đang có sẵn quỹ đất dành cho hoạt động chăn nuôi hoặc đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai trang trại; đồng thời có kế hoạch mua lại toàn bộ vốn của các công ty này.
Theo ông Ngô Cao Cường, Giám đốc Tài chính BAF, doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược thâu tóm nhanh để tận dụng khoảng trống thị trường, đặc biệt khi các quy định mới của Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực từ 1/1/2025. Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tại khu dân cư sẽ buộc phải di dời, tạo cơ hội lớn cho những công ty quy mô lớn như BAF mở rộng thị phần.
Các chuyên gia ước tính sẽ có hàng nghìn trang trại quy mô nhỏ phải rời khỏi thị trường do chi phí cao liên quan đến các quy trình an toàn sinh học liên quan để phòng chống các dịch bệnh và biến động giá. Xu hướng này sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp, khép kín như BAF Việt Nam.
Bên cạnh đó, với lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giá rẻ, biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi của BAF Việt Nam đang ở mức khá cao so với trung bình ngành.
Trong 9 tháng năm 2024, BAF báo lãi sau thuế 215 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ, hoàn thành 70% kế hoạch năm. Sự gia tăng này đến từ chiến lược mở rộng quy mô đàn lợn và tối ưu hóa hệ thống trang trại trên cả nước.
Ban lãnh đạo BAF đặt tham vọng phát triển cân bằng tại cả ba miền để tối ưu hóa độ phủ. Hệ thống trang trại không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn hướng tới các tiêu chuẩn cao về an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Theo Công ty Chứng khoán DSC, BAF đang tận dụng tối đa cơ hội từ sự thay đổi trong luật pháp và nhu cầu chuyển đổi của ngành chăn nuôi Việt Nam. Chiến lược M&A mạnh mẽ không chỉ giúp công ty tăng nhanh quy mô mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các đối thủ.
BAF tham vọng tăng gấp 10 lần sản lượng lợn thương phẩm
Cho đến nay, quy mô đàn lợn của BAF đã tăng đáng kể, từ khoảng 330.000 con vào cuối năm 2023 lên 520.000 con vào cuối tháng 9/2024, tương đương mức tăng trưởng 73%. Qua đó, sản lượng lợn thương phẩm của BAF Việt Nam dự kiến đạt 1 triệu con.
BAF đặt mục tiêu nâng tổng đàn lên 100.000 lợn nái vào năm 2025 (tăng hơn 30%), lên 185.000 lợn nái vào năm 2026 (tăng 85%) và khoảng 260.000 lợn nái vào năm 2027 (tăng 40,5%).
Đến năm 2030, công ty dự kiến sẽ có 102 trang trại với tổng đàn nái 450.000 con, xuất chuồng 10 triệu lợn thương phẩm, gấp 10 lần so với hiện tại. Hệ thống trang trại sẽ được phát triển theo hướng cân bằng ở 3 miền trên cả nước, thay vì tập trung tại một khu vực nhất định, nhằm tối ưu hóa độ phủ và hiệu quả hoạt động.
Ban lãnh đạo BAF chia sẻ, công ty dự kiến chi khoảng 3.000 tỷ đồng, để xây dựng 15 trang trại nhằm mở rộng quy mô trong năm 2025. Nếu xây không kịp, công ty sẽ đi thuê hoặc tìm kiếm đối tác có sẵn vốn và quỹ đất để xây dựng trang trại theo mô hình của công ty rồi tiến hành thuê lại.
Được biết, BAF muốn chào bán tối đa 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mà không giới hạn số lượng. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 – 2025 sau khi công ty hoàn tất việc đăng ký chào bán lên cơ quan quản lý.
Hơn 1.000 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, BAF dự kiến dùng gần 558 tỷ đồng để mua cám, phụ gia, nguyên vật liệu phục vụ các trang trại lợn; 450 tỷ đồng để mua lợn giống, lợn cai sữa, lợn hậu bị phục vụ các trang trại. Thời gian giải ngân dự kiến từ quý IV/2024 đến quý IV/2025. Nếu đợt phát hành thành công, BAF sẽ nâng vốn điều lệ từ 2.390 tỷ đồng lên 3.040 tỷ đồng.
Theo BAF, việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa quan trọng với công ty để hướng tới mục tiêu mảng chăn nuôi đạt 1,5 triệu con lợn thịt thương phẩm bán ra thị trường trong năm 2025; 10 triệu con lợn thịt thương phẩm bán ra thị trường năm 2030; tổng đàn nái đạt 400.000 con vào năm 2030 và trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp về chăn nuôi lớn tại Việt Nam.
Hiện tại, tổng số đàn lợn của công ty là 11.000 lợn nái ông bà và lợn nái cụ kỵ, trên 38.000 lợn nái bố mẹ, tương đương với 1 triệu lợn nái hậu bị và lợn thịt thương phẩm. Bên cạnh đó, BAF còn sở hữu 36 trại nuôi lợn thịt và lợn giống hiện đại đã đi vào hoạt động.
Để nâng cao năng lực sản xuất, hồi tháng 9/2024, BAF và Tập đoàn Chăn nuôi – Thực phẩm Muyuan (Trung Quốc) đã ký kết hợp tác chiến lược về chuyển giao công nghệ thiết bị chuồng trại, ứng dụng AI vào quy trình vận hành trong toàn chuỗi chăn nuôi.
Phía đối tác Muyuan khẳng định, công ty có thể hỗ trợ BAF đạt được mục tiêu mở rộng quy mô với 450.000 con lợn nái và 10 triệu con lợn thịt vào năm 2030, đồng thời giúp BAF giảm thiểu chi phí nước và đất đai.
Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho ngành chăn nuôi lợn của nước ta, khi các tiến bộ công nghệ và quản lý hiện đại đang tạo ra những thay đổi tích cực và đầy hứa hẹn. Trước những thách thức về dịch bệnh, biến động thị trường và áp lực môi trường, ngành chăn nuôi lợn đã chứng kiến sự gia tăng của các mô hình chăn nuôi bền vững, áp dụng công nghệ cao và chiến lược kinh doanh thông minh. Những cải tiến này không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng thịt lợn, mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện phúc lợi động vật.
Do đó, thị trường tiêu thụ thịt lợn đang ngày càng mở rộng, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á, nơi thịt lợn là một phần quan trọng trong chế độ ăn hàng ngày. Sự gia tăng thu nhập và nhận thức về dinh dưỡng đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn chất lượng cao. Các doanh nghiệp chăn nuôi lợn cũng đang nắm bắt cơ hội này để phát triển các sản phẩm thịt lợn hữu cơ và các sản phẩm chế biến sẵn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đồng thời, việc mở rộng hợp tác quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, giúp nâng cao giá trị và tăng trưởng bền vững cho ngành chăn nuôi lợn nước ta.
Đầu tháng 1/2025, giá lợn hơi trên cả nước tăng so với tháng cuối cùng của năm trước, giá khảo sát ở các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 67.000-70.000 đồng/kg.
Cụ thể: Giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 68.000 – 70.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên dao động trong khoảng 67.000 – 69.000 đồng/kg và vẫn có dấu hiệu nhích lên. Giá lợn hơi tại khu vực miền Nam dao động trong khoảng 67.000-69.000 đồng/kg, những ngày này giá lợn hơi vẫn có xu hướng đi lên.
Nguồn: https://danviet.vn/cong-ty-chan-nuoi-thu-11-ve-tay-baf-he-lo-muc-tieu-lon-khi-lien-tuc-thau-tom-thi-truong-2025011515531273.htm