Thành phố
Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 11 năm 2024, tỉnh
Đồng Tháp đã tổ chức chương trình gặp gỡ các đơn vị đồng hành trong Đề án Bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo tồn và phát triển đàn Sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm cần được bảo tồn trong sách Đỏ Việt Nam và trên thê giới.
Toàn cảnh sự kiện
Trong khuôn khổ chương trình, tỉnh Đồng Tháp đã giới thiệu hành trình “Đưa đàn Sếu trở về” và chia sẻ chi tiết về Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 – 2032. Đề án nhằm phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ thông qua các biện pháp nuôi và thả tự nhiên, đảm bảo đàn Sếu có thể tự sinh sản và tồn tại bền vững trong môi trường tự nhiên.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn Sếu đầu đỏ không chỉ đối với đời sống người dân địa phương mà còn với sự phát triển văn hóa và
du lịch của tỉnh. Ông chia sẻ: “Mỗi mùa Sếu về là một năm đầy may mắn và là niềm vui chung của rất nhiều người.”
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đồng hành cùng Đề án Bảo tồn Sếu đầu đỏ
Đặc biệt, trong chương trình, Công ty C.P. Việt Nam đã công bố quyết định tài trợ 1 triệu đô la cho dự án bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Đồng Tháp trong 5 năm. Đại diện công ty, chị Lê Nhật Thùy, Phó Tổng giám đốc cấp cao phát biểu: “Với cơ duyên tình cờ khi biết đến con sếu, tình yêu dành cho loài vật xinh đẹp này đã thôi thúc Công ty C.P. Việt Nam tham gia vào công tác bảo tồn Sếu đầu đỏ. Với triết lý “3 lợi ích” khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi luôn mong muốn được thực hiện những hoạt động mang lại lợi ích cho đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa thúc đẩy nâng cao đời sống của người dân tại tỉnh Đồng Tháp, mà còn giúp tăng cường sự hợp tác và mối quan hệ giữa hai nước. Được biết tỉnh Buriram, Thái Lan là nơi điển hình về bảo tồn sếu và đã nuôi thả sếu thành công, có thể nói “ban đầu là người nuôi sếu, sau này sếu sẽ nuôi người. Tôi mong rằng không chỉ C.P. mà sẽ có nhiều doanh nghiệp đồng hành với đề án này. Để trong tương lai chúng ta có thể nhìn thấy loài chim quý này trên quê hương Việt Nam của chúng ta.”
Chị Lê Nhật Thùy – Phó Tổng giám đốc cấp cao phát biểu tại sự kiện
Công ty C.P. Việt Nam cam kết thực hiện các hoạt động bảo tồn không chỉ tập trung vào Sếu đầu đỏ mà còn mở rộng ra các dự án hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng. Các chuyên gia về bảo tồn thiên nhiên cũng đã có những chia sẻ về lợi ích từ Đề án, bao gồm việc tạo ra đàn Sếu định cư quanh năm tại Tràm Chim và phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước.
Với nhiều giá trị mang lại từ công tác bảo tồn, phát triển Sếu đầu đỏ tại Tràm Chim, sự hợp lực của Công ty C.P. Việt Nam nói riêng và các cơ quan ban ngành, các đơn vị và đối tác quốc tế nói chung, Đề án Bảo tồn Sếu đầu đỏ hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho tỉnh Đồng Tháp và cộng đồng địa phương.
Thông tin về Đề án Bảo tồn Sếu đầu đỏ
Theo đề án chính thức được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt, trong vòng 10 năm (2022 – 2032) nuôi thả 100 con sếu, tối thiểu 50 con sống sót. Đàn sếu có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án gần 185 tỉ đồng. Trong đó gần 56 tỉ đồng dùng để tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu; cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống gần 25 tỉ đồng; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững 36 tỉ đồng; thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền 17 tỉ đồng; đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng gần 52 tỉ đồng.
Nguồn: https://www.cp.com.vn/truyen-thong/tin-tuc-su-kien/cong-ty-cp-viet-nam-tai-tro-1-trieu-usd-cho-du-an-bao-ton-seu-dau-do-tai-dong-thap