Các công ty công nghệ sinh học của Hàn Quốc đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc do e ngại Mỹ có thể thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với lĩnh vực này để thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước và kiềm chế sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xác định công nghệ sinh học và sản xuất sinh học là các lĩnh vực chiến lược và dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể hơn trong vòng vài tháng tới.
Công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của Hàn Quốc, và những lo ngại của quốc gia này chứng tỏ những tác động nghiêm trọng của căng thẳng Mỹ – Trung.
“Chúng tôi đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ các nước như Trung Quốc và phát triển thêm nguồn nguyên liệu trong nước để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng, phòng khi xung đột Mỹ – Trung leo thang”, người phát ngôn của Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm và dược phẩm sinh học Hàn Quốc cho biết.
Nguy cơ tiềm ẩn
Mỹ đang tăng cường các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc. Năm ngoái, quốc gia này đã đưa ra các hạn chế xuất khẩu chip mở rộng nhằm làm chậm tiến độ công nghệ của quốc gia châu Á.
Washington cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với các loại thuốc và sản phẩm mới. Tháng 9/2022, Nhà Trắng đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ Mỹ xác định các hành động nhằm “giảm thiểu rủi ro do sự tham gia của đối thủ nước ngoài” trong chuỗi cung ứng sản xuất sinh học và tăng cường an ninh sinh học trong cơ sở hạ tầng trong nước.
Yêu cầu này của Nhà Trắng rõ ràng muốn nhắm đến Trung Quốc, theo ông John Murphy, giám đốc chính sách của Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học (một nhóm vận động hành lang đại diện cho các công ty công nghệ sinh học ở Mỹ và hơn 30 quốc gia khác).
Lãnh đạo các công ty công nghệ sinh học hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung Biologics, SK Bioscience và Celltrion ngày càng lo ngại về hậu quả tiềm ẩn từ các chính sách của Washington.
“Tôi sợ rằng các sản phẩm của chúng tôi được sản xuất ở đây có thể phải đối mặt với mức thuế cao hơn ở Mỹ hoặc bị loại khỏi các khoản ưu đãi về thuế”, giám đốc một tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu Hàn Quốc cho biết.
Các nhà phân tích trong ngành tại Mỹ cho rằng sự thay đổi chính sách sẽ dẫn đến việc giám sát chặt chẽ hơn các giao dịch nước ngoài, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào các công ty phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng.
Vươn ra thế giới
Để đối phó với căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix, cùng với các hãng xe và sản xuất pin xe điện đang mở rộng hoạt động ở Bắc Mỹ.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tích cực hỗ trợ để các công ty này đáp ứng đủ điều kiện hưởng khoản ưu đãi thuế lên đến 7.500 USD của Mỹ. Hôm 7/4, quốc gia này tuyên bố họ sẽ cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 7 nghìn tỷ won (5,32 tỷ USD) cho các nhà sản xuất pin đang tìm cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Bắc Mỹ trong 5 năm tới.
Các hãng dược phẩm Hàn Quốc gần đây cũng đã tăng cường mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài thông qua việc mua lại các công ty cùng ngành ở Mỹ.
Cuối tháng 3, nhà sản xuất thuốc biosimilar (thuốc có cấu trúc và chức năng tương tự như các loại thuốc sinh học) lớn nhất Hàn Quốc Celltrion cho biết họ đang xem xét mua lại đơn vị giải pháp sinh học trị giá 4 tỷ USD của công ty dược Baxter có trụ sở tại Mỹ.
Celltrion trước đó đã mua lại danh mục 18 sản phẩm được kinh doanh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty dược Takeda (Nhật Bản). Thỏa thuận này đánh dấu nỗ lực vươn ra quốc tế của công ty Hàn Quốc.
Ngoài ra, các công ty công nghệ sinh học Hàn Quốc còn tham gia sản xuất vắc-xin Covid-19 cho các tập đoàn đa quốc gia như AstraZeneca và Moderna; đồng thời tăng cường chế tạo các loại thuốc biosimilar để cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường.
Samsung Biologics, nhà sản xuất dược phẩm theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã mở các văn phòng kinh doanh tại Boston và New Jersey (Mỹ). Công ty này cũng đang tìm cách xây dựng các nhà máy ở Mỹ và châu Âu để tiếp cận gần hơn với các khách hàng chính của mình.
Nguyễn Tuyết (Theo Financial Times, Bloomberg)