Các công trình cống thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò kiểm soát nguồn nước, đảm bảo sản xuất cho người dân và giúp hình thành mạng lưới giao thông thủy bộ.
Chiều 29/11, diễn đàn Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước ĐBSCL được tổ chức tại TP Cần Thơ.
Theo ban tổ chức, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức rất lớn từ thượng nguồn, nhất là hoạt động đầu tư các công trình trên dòng chính và sông nhánh Mê kông khiến lượng nước và phù sa về đồng bằng suy giảm.
Tại một số địa phương ĐBSCL, các công trình thủy lợi đã và đang được triển khai dần phát huy hiệu quả điều tiết, kiểm soát nguồn nước.
Tại diễn đàn, ông Lê Tự Do, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, đơn vị này đang quản lý, khai thác 5 hạng mục công trình tại vùng, gồm: cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, Vũng Liêm và cống âu thuyền Ninh Quới với tổng diện tích các vùng dự án khoảng 1 triệu ha.
“Đặc điểm về địa hình, thủy văn, vùng sản xuất của ĐBSCL rất đa dạng nên mỗi hệ thống công trình thủy lợi cũng đa dạng về chức năng”, ông Do nói.
Theo đó, hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé – Xẻo Rô (Kiên Giang) có nhiệm vụ kiểm soát độ mặn, lợ, ngọt của nước, đảm bảo sản xuất nông nghiệp.
Các cống còn kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cụm công trình này còn kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực.
Đối với cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu), công trình này có nhiệm vụ đảm bảo kiểm soát mặn không gây ảnh hưởng đến tỉnh Sóc Trăng và vùng ngọt ổn định của tỉnh Bạc Liêu.
Ngoài ra, cống âu thuyền này còn tạo điều kiện chuyển nước từ sông Hậu cho vùng Nam quốc lộ 1 tỉnh Bạc Liêu và phục vụ giao thông thủy bộ.
Ở Cống Vũng Liêm (Vĩnh Long), công trình nhằm kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch. Đồng thời chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Một nhiệm vụ nữa của Cống Vũng Liêm là tạo địa bàn bố trí dân cư, kết hợp giao thông thủy bộ tạo thành mạng lưới giao thông thủy bộ liên hoàn”, ông Do cho biết.
Để các công trình hoạt động hiệu quả, ông Do cho biết, công ty thường xuyên trao đổi với các địa phương về tình hình sản xuất, nhu cầu dùng nước.
Đồng thời kết hợp với các bản tin dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn để xây dựng chi tiết kế hoạch vận hành các công trình.
“Bên cạnh đó, công ty cũng phối hợp với các địa phương, đảm bảo phòng chống úng, ngập, xâm nhập mặn và đảm bảo an toàn giao thông khu vực công trình”, ông Do nói thêm.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cong-thuy-loi-mien-tay-vua-dieu-tiet-nuoc-vua-hinh-thanh-mang-luoi-giao-thong-1922411291656349.htm