Đất quy hoạch nhà ở xã hội thành đất xây nhà liền kề
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp không muốn dành quỹ đất 20% trong dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội mà chỉ muốn thực hiện nghĩa vụ bằng cách nộp tiền cho nhanh gọn.
Có lẽ, giới làm doanh nghiệp bất động sản không còn lạ gì quy trình né xây dựng nhà ở xã hội. “Công thức” này như sau: doanh nghiệp chủ đầu tư dự án đề xuất lên cơ quan chức năng địa phương là các sở, ngành, UBND cấp tỉnh; sau đó địa phương gửi văn bản đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành…; sau cùng là nộp tiền thay vì dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội. An sinh cho người nghèo, nhất là người dân ở các đô thị lớn cứ thế bị bỏ ngỏ.
Đơn cử, ngay tại Hà Nội, dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai (Louis City Hoàng Mai) ở 54 Tân Mai (Q.Hoàng Mai) do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (gọi tắt là Công ty Hoàng Mai) làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 22 ha thuộc diện phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Nhưng đến đầu tháng 5 vừa qua, dự án này vẫn chưa có công trình nhà ở xã hội nào được triển khai.
Theo tìm hiểu, từ tháng 4 – 6.2020, Công ty Hoàng Mai có đề xuất xin thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội tại dự án Louis City Hoàng Mai bằng hình thức nộp tiền.
Sau khi Sở KH-ĐT Hà Nội có ý kiến, tháng 8.2020, UBND TP.Hà Nội có văn bản do Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư dự án Louis City Hoàng Mai được thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền.
Văn bản nêu, theo quy hoạch chi tiết 1/500 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt vào tháng 7.2007, dự án phải bàn giao lại cho thành phố hơn 22.000 m2 đất tại 12 ô có ký hiệu: LK5, LK7, LK17, LK20, LK21, LK22, LK35, LK36, LK37, LK38, LK39, LK40 có diện tích từ 879 m2 – 3.482 m2 để phát triển nhà ở xã hội sau khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Lấy lý do diện tích các ô đất kể trên không lớn, không phù hợp xây dựng nhà ở xã hội dạng nhà chung cư cao tầng, làm tăng dân số nếu phát triển nhà ở xã hội… UBND TP.Hà Nội đã đề nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền sử dụng đất theo sát giá thị trường, đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Phần diện tích của 12 ô đất nêu trên sẽ được xây dựng thành nhà ở liền kề thấp tầng.
“Việc này sẽ không làm ảnh hưởng tới nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư trên địa bàn thành phố…”, văn bản của UBND TP.Hà Nội nêu.
Sau khi nhận được báo cáo của UBND TP.Hà Nội, ngay trong tháng 8.2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi đến các bộ: Xây dựng, Tài chính, TN-MT… đề nghị cho ý kiến về việc cho xây dựng nhà ở liền kề thấp tầng trên đất quy hoạch phát triển nhà ở xã hội tại dự án Louis City Hoàng Mai và chủ đầu tư được thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền.
Tháng 9.2020, Bộ Xây dựng có ý kiến bày tỏ nếu được Thủ tướng chấp thuận, UBND TP.Hà Nội cần căn cứ nhu cầu của thành phố, xác định rõ vị trí, diện tích ô đất trên địa bàn thay thế bố trí làm nhà ở xã hội tương ứng với diện tích đất 20% tại dự án Louis City Hoàng Mai; đồng thời, xác định đúng số tiền phải nộp thay thế nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội tại dự án theo quy định.
Cũng trong tháng 9.2020, Chính phủ có văn bản đồng ý với kiến nghị của UBND TP.Hà Nội cho phép chủ đầu tư dự án Louis City Hoàng Mai thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền.
Dự án đô thị ở ngoại thành cũng không muốn xây nhà ở xã hội
Tại Hà Nội, một dự án khác không ở vùng trung tâm cũng khước từ phát triển nhà ở xã hội, xin nộp tiền là khu chức năng đô thị Noble Vân Trì (khu đô thị Noble Vân Trì) tại xã Kim Nỗ, H.Đông Anh.
Cụ thể, tháng 6.2020, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến về việc chủ đầu tư dự án khu đô thị Noble Vân Trì là Công ty TNHH Noble Việt Nam muốn thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền thay vì bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.
“Căn cứ quy định pháp luật và điều kiện cụ thể của dự án, Bộ Xây dựng nhận thấy có thể xem xét cho phép dự án không bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội…”, văn bản của Bộ Xây dựng nêu. Đồng thời, kèm theo một số nội dung: bố trí quỹ đất khác tương ứng với 20% diện tích đất tại dự án khu đô thị Noble Vân Trì trên địa bàn H.Đông Anh; thực hiện giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với diện tích 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án khu đô thị Noble Vân Trì đúng quy định pháp luật…
Báo cáo Chính phủ trong Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà phát triển nhà ở xã hội như: bị khống chế mức trần lãi suất, thủ tục thực hiện dự án phức tạp, ưu đãi chưa đủ hấp dẫn… Do vậy, phần lớn doanh nghiệp lựa chọn thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền thay thế xây nhà.
Bên cạnh đó, từ khi gói 30.000 tỉ đồng giải ngân hết, Nhà nước không có thêm gói hỗ trợ tương tự nên thị trường nhà ở xã hội thiếu nguồn vốn rẻ hỗ trợ phát triển. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể đi vay với lãi suất thương mại để xây nhà ở xã hội.
Đồng thời, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cũng không nhiều do các địa phương ít chú trọng, trong đó có TP.Hà Nội, nhất là quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại không được ưu tiên xây dựng nhà ở xã hội.