Công tâm, khách quan khi đánh giá tín nhiệm
Theo chương trình làm việc Kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ tiến hành nội dung lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu từ chiều 24.10 – 25.10.
Theo đó, vào chiều 24.10, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Vào sáng 25.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Vào chiều 25.10, sau khi Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Liên quan tới nội dung này, trao đổi với Lao Động vào chiều 23.10, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) – cho hay, nội dung liên quan tới lấy phiếu tín nhiệm các vị trí do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã được chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng, bài bản, chặt chẽ ở các khâu.
Qua quá trình công tác thì các vị trí công tác đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm ở từng lĩnh vực. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá rất cao các bộ, bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.
PV Lao Động đặt vấn đề, có những lĩnh vực, vị trí công tác dễ thể hiện kết quả công tác nhưng cũng có những vị trí “ẩn hơn”, hoạt động chiều sâu và kết quả ở tầm nhìn dài hạn hơn thì đánh giá như thế nào? Có phải cứ “tròn vai” sẽ đạt phiếu tín nhiệm cao?
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, với gần 500 đại biểu Quốc hội và qua nửa nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, các vị trí được lấy phiếu tín nhiệm dù là “ẩn hay hiện” thì các vị đại biểu Quốc hội sẽ sáng suốt, công tâm để đánh giá một cách khách quan, toàn diện đối với các lĩnh vực hoạt động của từng vị trí công tác.
Vị đại biểu đoàn Đắk Nông cho hay, khi xem xét một vấn đề nào đó cần phải xem xét một cách toàn diện khách quan và chủ quan. Bởi vì quá trình công tác có rất nhiều phát sinh, có những việc giải quyết tốt, có những việc giải quyết chưa tốt cũng có những tồn tại hạn chế.
“Tôi muốn khẳng định là một lần nữa là các đại biểu hoàn toàn sáng suốt có thể nhận định rõ vấn đề này để bỏ phiếu tín nhiệm của mình đối với từng vị trí cụ thể một cách xứng đáng” – đại biểu Dương Khắc Mai khẳng định.
Cái tâm, cái trí, trách nhiệm của đại biểu khi đánh giá tín nhiệm
Cùng trao đổi, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế – cho biết, các ĐBQH đã được gửi tài liệu, thông tin của các vị trí được lấy phiếu tín nhiệm đợt này. Việc đánh giá giữa nhiệm kỳ gắn với trách nhiệm, gắn với kết quả đã đạt được cho đất nước, cho địa phương trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng – an ninh.
“Cái tâm, cái trí, trách nhiệm của ĐBQH khi lựa chọn, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ đúng với trách nhiệm, công việc của từng vị lãnh đạo đã cống hiến trong thời gian qua” – ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nói.
Vị Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, các vị trí được lấy phiếu tín nhiệm là các vị trí do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều là những vị trí lãnh đạo rất quan trọng. Do đó, đại biểu Sửu kỳ vọng, các vị trí lãnh đạo sẽ có những giải pháp mới để triển khai thật tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
“Tôi kỳ vọng rằng, các vị lãnh đạo sẽ có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và quyết liệt hơn, kể cả giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là chỉ đạo trực tiếp của các địa phương” – đại biểu Sửu nêu ý kiến.