Ở nhiều cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, đội ngũ cộng tác viên (CTV) trung thành có nhiều đóng góp cho việc đổi mới, nâng cao về chất lượng nội dung, hình thức, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Nhiều tờ báo có mục dành riêng cho CTV, cho bạn đọc gửi bài.
Thông thường CTV đến từ nhiều ngành nghề khác nhau từ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đến giáo viên, nghệ sĩ, hưu trí, sinh viên…, họ ở rất nhiều lứa tuổi và từ rất nhiều vùng miền địa phương, dù không công tác ở tờ báo nhưng họ đã gắn bó và có nhiều tác phẩm được đăng tải điều này làm phong phú thêm nội dung, hình thức, chất lượng của tờ báo.
Thực tế cho thấy đội ngũ cộng tác viên có nhiều ưu điểm, đó là thường có những thông tin độc quyền, hình ảnh độc quyền chỉ có ở địa phương, lĩnh vực chuyên ngành đó. CTV ở cơ sở là những người hiểu rõ ngọn ngành về các vấn đề nơi họ sinh sống, với kỹ năng “săn tin” và niềm đam mê sáng tạo tác phẩm báo chí như một nhà báo chuyên nghiệp giúp họ có những tác phẩm không thua kém một nhà báo, phóng viên.
Đã có nhiều cơ quan báo chí có hoạt động kết nối, thu hút được nhiều cộng tác viên trên khắp mọi miền đất nước, trong đó, có nhiều cộng tác viên là các chuyên gia trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc tế…
Việc quan tâm xây dựng và phát triển mạng lưới CTV đã giúp cho báo chí có nhiều tuyến tin, bài phản ánh toàn diện, trung thực, kịp thời trên các lĩnh vực, nhất là tại các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, hay khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh… Nhiều vấn đề dư luận quan tâm, những vấn đề bức xúc ở cơ sở được CTV phản ánh sinh động trên các ấn phẩm đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, định hướng thông tin.
Tùy vào điều kiện, trình độ, kỹ năng, vị trí… của mỗi người, mà các CTV có những đóng góp nhất định, góp phần làm phong phú thêm nội dung, hình thức, chất lượng các sản phẩm của báo chí. Ở chiều ngược lại, khi sử dụng tin bài của CTV các cơ quan báo chí đã tạo ra sân chơi hấp dẫn cho các CTV. Việc sử dụng các tác phẩm của CTV cho thấy sự trân trọng, “đứa con tinh thần” được quan tâm càng khiến cho CTV yên tâm gửi gắm tâm tư, nguyện vọng cũng như những vấn đề bức xúc, kiến nghị của công chúng lên các cấp chính quyền.
Nhà báo Nguyễn Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Để có được nhiều tin bài hay, nóng hổi từ cơ sở, biên tập viên luôn có sự tương tác, trao đổi thường xuyên, thậm chí là hàng ngày với CTV. Để duy trì được nguồn tin, bài thường xuyên, tạo động lực cho CTV, biên tập viên tờ báo luôn phải nhanh nhạy hỗ trợ CTV. Hướng dẫn CTV cách xử lý thông tin, hình ảnh cho phù hợp với tiêu chí của chuyên mục, chuyên trang của báo mình… Các tin bài cộng tác của CTV góp phần giúp thông tin trên báo được phong phú về đề tài, hấp dẫn về nội dung, hình ảnh.”
Thay vì gửi thông tin bằng thư qua đường bưu điện mất nhiều ngày như trước kia, ngày nay CTV có thể sử dụng các ứng dụng tin nhắn miễn phí, email, điện thoại đường dây nóng, qua mạng xã hội… để gửi các sản phẩm của mình đến tòa soạn một cách nhanh chóng. Chính vì thế nhiều thông tin hấp dẫn, đang được quan tâm từ những địa phương xa xôi cũng có thể nhanh chóng được thực hiện và đăng tải.
Thực tế cho thấy đội ngũ CTV hiện gặp không ít khó khăn, bởi nhiều người không có chuyên môn nghiệp vụ báo chí, kỹ năng quay phim, chụp ảnh, không có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu… Tuy nhiên nhiều người tham gia cộng tác với các tòa soạn báo chủ yếu vì niềm đam mê viết lách, chụp ảnh. Nhưng bên cạnh đó nhờ sự phát triển rộng khắp của mạng internet, mạng xã hội, cũng như sự ra đời của các phương tiện hiện đại, các CTV có thể tranh thủ khám phá, học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng làm báo.
Trong môi trường báo chí hiện đại, ngoài phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng chính trị, đòi hỏi CTV phải năng động, linh hoạt, nhiệt tình. Không chỉ kỹ năng viết mà còn phải chụp được hình tốt, quay được video, clip. CTV phải biết truy cập, tính bảo mật, biết xử lý thông tin bài thật sớm trên môi trường mạng theo yêu cầu của từng tòa soạn.
Anh Nguyễn Văn Công (Thường Tín, Hà Nội) có gần 10 năm làm CTV cho một số tờ báo, trong từng ấy thời gian anh đã đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ nỗi buồn khi bài viết được tòa soạn trả lại chưa thể sử dụng đến niềm vui vỡ òa khi được tòa soạn ưng ý, duyệt đăng trên báo in, báo điện tử. Nhiều bài viết của anh là gương người tốt việc tốt, anh hi vọng qua mỗi bài viết đó sẽ góp phần lan tỏa những hành động ý nghĩa trong cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Công tâm sự: “Mỗi lần có tin bài được sử dụng, tôi vô cùng trân trọng, hãnh diện. Vui mừng khi nhiều bạn đọc đánh giá cao nội dung bài viết, yêu công việc viết lách, nghề CTV, tôi luôn tự hứa phải tích cực trau dồi học hỏi, tiếp thu những góp ý, hướng dẫn của các anh chị biên tập để nâng cao tay nghề, cố gắng để có những tin bài chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu của tòa soạn cũng như nhu cầu của bạn đọc”.
Có thể nói, nhiều CTV luôn xem nghề báo là nghề mang lại điều thú vị, ở đó họ được mình vào dòng chảy của thông tin, của đời sống xã hội, nơi rèn luyện cho họ ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, mang lại rất nhiều kinh nghiệm khiến thức cho những công việc khác.
Qua mỗi bài báo họ được rèn luyện kỹ năng viết, kỹ năng tìm kiếm khai thác đề tài trong cuộc sống, trong công việc. Qua mỗi tác phẩm được đăng tải họ có thêm cơ hội để giới thiệu được với bạn bè gần xa về tác phẩm của mình, để từ đó quảng bá hình ảnh, truyền thống vùng đất, con người địa phương mình đến công chúng.