Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các quyết sách quan trọng đã được Quốc hội thông qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ vậy, tình hình kinh tế xã hội năm 2023 có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng đạt mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Thu 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng
Một trong những nhiệm vụ quan trọng về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 là việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và tiêu chuẩn, định mức, trong đó Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua 16 luật, 29 nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 92 nghị định, 264 nghị quyết, 34 quyết định quy phạm pháp luật, 32 chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành 372 thông tư; các địa phương đã ban hành 8.066 văn bản quy phạm pháp luật nhằm tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ vướng mắc.
Đặc biệt, trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); các địa phương cơ bản hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện; cả nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 23,6 triệu ha (chiếm tỷ lệ 97,6% diện tích cần cấp); ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 là 42,02%, lần đầu tiên Việt nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.
Trong nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, trong năm 2023 đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng. Chi ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 2.109,9 nghìn tỷ đồng, bằng 101,6% dự toán, tăng gần 74 nghìn tỷ đồng. Công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.
Về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Thủ tướng Chính phủ đã giao 49,5 nghìn tỷ đồng vốn NSTW năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (đạt 100% kế hoạch). Giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các CTMTQG trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 83% kế hoạch giao năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,93%. Đến cuối năm, có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 05 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tính đến ngày 31/12/2023, đã cập nhật 2,23 triệu tài sản với nguyên giá là 2,3 triệu tỷ đồng. Tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt 183.044 cơ sở (đạt 69,8%); tổng số cơ sở nhà, đất còn phải sắp xếp là 79.404 cơ sở. Năm 2023 Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương.
Trong công tác thanh tra góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, năm 2023, ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (đã lồng ghép nội dung thanh tra THTK, CLP vào nội dung thanh tra trách nhiệm, thanh tra hành chính); phát hiện vi phạm về kinh tế 257,7 nghìn tỷ đồng, 616 ha đất; kiến nghị thu hồi 188,6 nghìn tỷ đồng và 166 ha đất.
Nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2024, với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để thực hiện, trong đó:
Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực, trong đó phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đề xuất sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; công tác tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/cong-tac-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-duoc-phat-huy-tren-linh-vuc-tai-nguyen-va-moi-truong-374398.html