Thời gian qua, ở tỉnh Nghệ An công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo Nội dung 02, Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đang từng bước đi vào chiều sâu, góp phần thay đổi diện mạo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại Nghệ An, công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) luôn được các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, nhất là đối với già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào DTTS và Nhân dân nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, cũng như gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử,…
Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn |
Hiện nay, các thôn, bản vùng DTTS&MN đã được đầu tư hệ thống đài truyền thanh cơ sở, đài truyền thanh ứng dụng công nghệ – viễn thông. Mở rộng phủ sóng truyền hình đến 100% địa bàn thôn, bản trong toàn tỉnh; tỷ lệ người dân được nghe xem phát thanh, truyền hình ngày càng tăng.
Hạ tầng cơ sở, công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền tiếp tục được tăng cường đến tận thôn bản phục vụ cho người dân. Tăng cường sản xuất các nội dung tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS&MN phát sóng tại các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc,…
Hạ tầng thông tin và truyền thông tiếp tục được đầu tư ở các khu vực biên giới, nhất là hạ tầng thông tin di động, cơ bản hiện nay các thôn, bản đã có sóng điện thoại di động, internet. Các thôn, bản được phủ sóng internet có thể thu xem truyền hình, phát thanh qua mạng internet.
Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số bản Búng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) |
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các DTTS&MN; nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả.
Tính đến nay, 11 huyện, thị xã miền núi có 236 sản phẩm, trong đó 226 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao. 100% sản phẩm OCOP các xã xây dựng NTM nâng cao đều được quảng bá trên ít nhất một nền tảng số, trang TTĐT, sàn TMĐT như Postmart.vn, trang thông tin điện tử của xã, trang thông tin điện tử của cơ sở sản xuất, các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube,…
Cũng nhờ việc đầu tư hạ tầng thông tin, truyền thông tuyên truyền bài bản, đầu tư hạ tầng cơ sở đồng bộ, khang trang mà công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng đã giúp cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới hiểu rõ, đồng tình ủng hộ và thực hiện đúng, có hiệu quả các quan điểm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng.
Nhờ các Chương trình mục tiêu quốc gia mà vùng đồng bào dân tộc Đan Lai tại bản Pa Hạ, tái định cư 2 (xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông) thay da đổi thịt |
Qua đó, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm thay đổi đáng kể đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Tạo nên sức mạnh tổng hợp, xây dựng “thế trận lòng dân”, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ và tham gia cùng với các cấp, ngành, địa phương, lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với nhân dân 3 tỉnh có chung đường biên giới Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô Li Khăm Xay của nước bạn (Lào).
Nguồn: https://thoidai.com.vn/cong-tac-thong-tin-tuyen-truyen-gop-phan-thay-doi-dien-mao-vung-dong-bao-dttsmn-tai-nghe-an-206364.html