Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và không gian mạng đối với công tác thông tin đối ngoại
(1) Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với công tác thông tin đối ngoại: Công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) là một trong những hoạt động đối ngoại của Việt Nam ra thế giới. Giới thiệu, quảng bá thông tin về Việt Nam ra thế giới bằng hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam; thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước Việt Nam và mang thông tin thế giới vào Việt Nam đã đưa Việt Nam ngày càng gần gũi, thân quen với bạn bè năm châu, bốn biển. Đẩy mạnh công tác TTĐN cũng góp phần vô cùng quan trọng, gắn với chỉ đạo và điều hành của Đảng và Nhà nước ta, thông qua hình thức tuyên truyền và định hướng tư tưởng. Hoạt động TTĐN đã và đang phát triển bằng nhiều hình thức thông tin phong phú, đa dạng: hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam được thể hiện bằng những thước phim, câu chuyện ghi chép trên sách, báo, mô hình, biểu tượng, những lát cắt lăng kính truyền thông… truyền tải bằng hình thức xem-nghe-nhìn- đọc trực tiếp theo truyền thống. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động trực tiếp đến hoạt động TTĐN, làm thay đổi diện mạo công tác TTĐN, kết hợp hài hòa hình thức truyền thống với phi truyền thống, lan tỏa nhanh, rộng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Cách mạng công nghệ 4.0 là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS). Nhờ sự tiện lợi của IoT và dịch vụ IoS, chúng ta đã sử dụng làm phương tiện phi truyền thống để đưa hình ảnh đất nước, con người, lịch sử Việt Nam… đến khắp các châu lục.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Vietnam Security Summit 2019
Tuy nhiên, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với công tác TTĐN trong giai đoạn 2011-2020, nói chung có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn để thực hiện được các nhiệm vụ theo đúng quan điểm chỉ đạo và mục tiêu của Đảng.
* Thuận lợi
Trong Kết luận 16-KL/TW có nhận định: trong những năm qua, phương thức hoạt động công tác TTĐN có đổi mới, linh hoạt hơn, lực lượng tham gia tăng cường, đối tượng, địa bàn mở rộng, hoạt động hiệu quả nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ còn hạn chế về nội dung thông tin chưa phong phú, bị động, lúng túng trong đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc và luận điệu sai trái… Năm 2013 được gọi là năm khởi đầu cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng ta đã nắm bắt được xu thế thời đại phát triển công nghiệp 4.0 và kịp thời có những chỉ đạo, yêu cầu sát thực tiễn để công tác TTĐN không tụt hậu với thế giới. Đảng đánh giá vai trò của Internet rất quan trọng cần chú trọng và tăng cường chọn hình thức thông tin qua Internet, trong công tác TTĐN, giai đoạn 2011-2020. Theo kết quả ghi nhận, có nhiều đổi mới, sáng tạo cả về hình thức lẫn nội dung khắc phục được một số hạn chế như Kết luận 16-KL/TW đã nêu, khi sử dụng hình thức phi truyền thống – công nghệ số – để đưa TTĐN ra thế giới.
Một số các thành quả đã đạt được, trong công tác TTĐN, trong giai đoạn 2011-2020, do tác động của cách mạng công nghiệp số 4.0. Công tác TTĐN tuyên truyền trên mọi phương diện truyền thông trong và ngoài nước, đấu tranh quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, khi, ngày 02/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây xôn xao dư luận quốc tế và trong khu vực, còn được gọi là sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Trước diễn biến phức tạp, Đảng ta đã có các chỉ đạo công tác TTĐN sáng suốt, nhanh nhạy vừa trấn an được tinh thần nhân dân trong nước, khích lệ động viên các lực lượng vũ trang, kiên cường tham gia quyết giữ gìn giữ vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không để ngoại xâm lấn chiếm; các đội ngũ truyền thông, báo chí trong nước tích cực bám sát tình hình diễn biến để đưa tin chính xác, là nguồn tin chính thống để các nhà quan sát viên quốc tế, chính trị gia theo dõi bình luận theo hướng ủng hộ Việt Nam, phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Việc thông tin tuyên truyền, phản ánh trung thực, chính xác, chi tiết sự kiện giàn khoan 981, trên trường quốc tế, đã dấy lên làn sóng ủng hộ Việt Nam, trong cuộc chiến đấu chính nghĩa, để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông. Đồng thời, đã thu hút, tranh thủ được chính phủ các nước Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Ấn Độ…, các tổ chức yêu chuộng hòa bình trên thế giới nỗ lực tham gia phản đối hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc dùng vũ lực để mưu đồ muốn chiếm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông, trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế, chủ đề nóng trong các cuộc họp khu vực, thượng đỉnh thế giới: Đối thoại Shangri-La diễn ra vào tháng 6/2014 ở Singapore, nguyên thủ và lãnh đạo các nước như Nhật Bản và Mỹ đã kịch liệt lên án các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam và quốc tế đã đưa ra được nhiều bằng chứng quan trọng là các bản đồ cổ thế giới, từ nhiều thế kỷ trước đều thể hiện Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Các bản đồ cổ đã được lưu giữ trong các thư viện của nhiều nước trên thế giới, trong các bộ sưu tập đồ cổ của cá nhân… họ sẵn lòng tặng hoặc bán lại cho chúng ta để thêm vào kho lưu trữ lịch sử quốc gia Việt Nam và có đủ căn cứ pháp lý quốc tế để đấu tranh với Trung Quốc, trên mọi phương diện từ truyền thông, kiện ra tòa án quốc tế, đến có thể được dùng biện pháp vũ lực để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hợp pháp, trong trường hợp bất khả kháng (đây là biện pháp cuối cùng để phòng vệ)… Việt Nam cũng tạo cơ hội để các hãng truyền thông lớn quốc tế, các phóng viên quốc tế đến Việt Nam để đưa tin viết bài, tác nghiệp ngay tại nơi nóng bỏng nhất đang xảy ra tàu Trung Quốc liên tục có những hành vi gây hấn, khiêu khích như mở bạt che pháo để uy hiếp, sử dụng vòi rồng tấn công tàu của Việt Nam, sẵn sàng đâm húc gây hư hỏng cho tàu Việt Nam và làm bị thương một số kiểm ngư viên. Trước những sức ép ngày càng lớn đến từ dư luận trong nước và quốc tế, ngày 16/7/2014, Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan phi pháp Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sớm hơn 01 tháng so với kế hoạch và được che đậy bằng lý do “đã hoàn thành nhiệm vụ”. Có thể nói, công tác thông tin đối ngoại tuyên truyền của ta ở sự kiện này là thành công, đã đưa được đầy đủ chứng cứ pháp lý, lịch sử bằng nhiều hình thức, đến với thế giới, kêu gọi được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia, giới sắc quốc tế, các tổ chức yêu chuộng hòa bình, các hãng truyền thông và phóng viên quốc tế. Các thông tin tuyên truyền, các bằng chứng lịch sử, các bài kêu gọi phản đối không chỉ được xuất bản dưới dạng sách in, bài phát biểu tại các hội nghị, hội thảo quốc tế mà còn được lan truyền trên môi trường mạng dưới các dạng sách điện tử, bản đồ số, video clip, phim tài liệu ngắn, infographic (đồ họa thông tin), ảnh chụp được nhân bản, lan truyền rộng rãi tạo một làn sóng phản đối từ trên mạng Internet từ blog cá nhân, messenger chat nhóm của yahoo từ vài chục đến vài trăm người, hàng nghìn website cá nhân đến các website của các tổ chức, quốc gia…
PGS.TS Lê Hải Bình tham luận tại hội thảo với chủ đề: “Đảm đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng hiện nay”.
Sự kiện quốc tế cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều năm 2018 tại Việt Nam, là môi trường để Việt Nam chứng minh cho toàn thế giới phương châm đối ngoại, hợp tác của Việt Nam, với các nước, bạn bè quốc tế: “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Chúng ta đều biết, không phải ngẫu nhiên, nguyên thủ hai nước Mỹ – Triều Tiên chọn Việt Nam là môi trường trung gian để tổ chức đàm phán, đối thoại mặc dù cuộc đàm phán chưa đạt được kết quả như giới chính trị, nhà quan sát viên thế giới mong đợi. Nhưng kết quả thông tin đối ngoại truyền thông về đất nước đẹp, con người thân thiện, chính trị hòa bình và ổn định Việt Nam đã lan tỏa qua sóng truyền hình trực tiếp, môi trường mạng để đến với thế giới trong thời gian ngắn nhất và nhanh nhất, với sự đưa tin trung thực, khách quan của 3.000 phóng viên và phóng viên tự do đến từ 200 hãng truyền thông quốc tế (một sự kiện số lượng phóng viên quốc tế đến tác nghiệp nhiều hơn đến Hội nghị thượng đỉnh APEC) và gần 600 phóng viên của Việt Nam. Những câu chuyện về đất nước Việt Nam, bên ngoài lề hội nghị, trước khi được các phóng viên quốc tế dự định xuất bản thành sách đã lan truyền trên môi trường mạng bằng những câu hỏi-đáp giữa những phóng viên với gia đình hay bạn bè ở nhà: con người Việt Nam rất thân thiện, bạn có thể được giúp đỡ ngay trên đường phố; những người dân thường họ không biết ngôn ngữ của bạn nhưng họ vẫn có thể trò chuyện với bạn bằng một thứ ngôn ngữ diễn tả hành động, cử chỉ, gần gũi nhưng vẫn giữ đủ giới hạn khoảng cách, vẫn được gọi là body language; những ngôi nhà cao tầng có thể được chủ nhà vui vẻ hỗ trợ cho tác nghiệp trên tầng cao nhất; đồ ăn rất lạ và ngon… vân vân và vân vân. Còn với giới học giả, các nhà quan sát viên thì nhận xét đất nước, con người Việt Nam đúng như các nguồn truyền thông chính thống đã đăng tải: “Rõ ràng Việt Nam có khả năng đảm bảo các vấn đề hậu cần và an ninh cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều. Việt Nam đã có kinh nghiệm làm nước chủ nhà các sự kiện quốc tế, tiêu biểu là hội nghị APEC năm 2017”, Giáo sư Charles Armstrong, Đại học Columbia, Mỹ đánh giá khi trao đổi với VnExpress. Ông Armstrong đánh giá Việt Nam là “địa điểm thú vị” để tổ chức cuộc họp lần hai giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hà Nội có quan hệ tốt với cả Washington và Bình Nhưỡng, có thể được xem là bên hòa giải vì hòa bình; Giáo sư Nam sung-wook, Đại học Hàn Quốc, cũng cho rằng “Việt Nam là địa điểm tốt nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh”.”Việt Nam là một nước mang tính biểu tượng về vai trò hòa giải vì hòa bình”, GS Nam nói. Theo giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, Việt Nam và Hà Nội sẽ trở thành trung tâm chú ý của cả thế giới cho đến khi cuộc gặp Trump – Kim kết thúc. Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng tổ chức các sự kiện cấp cao với việc bảo đảm an ninh công cộng, cơ sở hạ tầng sang trọng đáp ứng được yêu cầu của các nguyên thủ. Trong tuần lễ cấp cao APEC 2017, Việt Nam đã đảm bảo an ninh “ở mức cao nhất”…
Trong những ngày cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều nhất cử, nhất động của hai nguyên thủ Donald Trump và Kim Jong-un đều lan tỏa đến toàn thế giới được gọi là tin từ Hà Nội, Việt Nam. Cái tên Hà Nội – Việt Nam đã được tăng tần suất gấp triệu lần trên các trang Internet, báo điện tử trong khu vực và quốc tế. Ngay châu Âu không phải cái tên Việt Nam đều quen thuộc với người dân ở đây, một số các người cao tuổi vẫn chỉ nhớ đến Việt Nam đang chiến tranh với Mỹ mặc dù Việt Nam hòa bình đã vài chục năm, nhưng với những người dân sống bình lặng và ở các làng mạc xa xôi hẻo lánh, vẫn nghĩ đang chiến tranh? Sự kiện Mỹ – Triều đã đem họ đến gần Việt Nam hơn. Các sinh viên Việt Nam học tại một số vùng của Châu Âu khi nói chuyện với người cao niên bản xứ đã nghe được câu hỏi: đến từ Việt Nam nơi vừa có cuộc họp Mỹ – Triều?
Có thể nói, hai sự kiện trên chỉ là số ít trong nhiều các hoạt động TTĐN của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã thành công, phát triển theo đúng chiến lược đã được Bộ Chính trị đưa ra yêu cầu trong Kết luận 16-KL/TW với mục tiêu tổng quát. Để đạt được thành quả này, trong đó có sự tác động không nhỏ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong công tác TTĐN.
* Khó khăn
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều lợi ích trong cuộc sống và nhiều nước, nhiều ngành được hưởng lợi và bị tác động theo hướng tích cực và tiêu cực nếu chúng ta không kiểm soát được không gian mạng. Tuy nhiên, việc chiếm lĩnh, kiểm soát được không gian mạng tại thời điểm nào đó cũng không có nghĩa chúng ta đã hoàn toàn làm chủ được nó. Bởi sự thay đổi của công nghệ luôn luôn phát triển không ngừng, nghỉ, phiên bản này nối tiếp phiên bản khác và thời gian không định trước. Tuổi thọ của nó cũng được quyết định bởi số ít các nhà kỹ thuật công nghệ. Vì vậy, thế giới số, hệ sinh thái số và các sản phẩm trên nền tảng của nó cũng không tuân thủ theo quy luật permanent (vĩnh cửu). Nên ứng phó với nó và làm ông chủ thực sự của nó cũng là một bài toán nan giải không phải ai cũng làm được và quốc gia nào cũng xử lý được. Đã có sự cố từng xảy ra khi hệ thống website của Chính phủ Mỹ được bảo mật tưởng như an toàn nhưng cũng bị hacker (tin tặc) tấn công khi bị nhiễm mã độc. Vì vậy, đây cũng là một trong những khó khăn khi công tác thông tin đối ngoại bị tác động bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Sẽ có những thuận lợi nhưng khó khăn cũng không nhỏ. Nếu xảy ra trường hợp các sản phẩm số bị nhiễm mã độc sẽ không thể lan truyền hay cung cấp thông tin như bản chất vốn có của nó. Nếu hệ thống hàng trăm, ngàn các website trên môi trường mạng đăng tải các thông tin tuyên truyền của ta bị tin tặc tấn công bằng mã độc hoặc truy cập bất hợp pháp để thay đổi thông tin chính thống thành nhưng tin xuyên tạc, sai sự thật… Chúng ta phải thiết lập kho sao, lưu thông tin mạng, dự phòng về nhân sự sẵn có kỹ thuật công nghệ cao có khả năng ứng cứu khẩn cấp trong mọi tình huống xấu có thể xảy ra, đảm bảo an ninh mạng, thông tin dữ liệu an toàn. Đồng thời, không để các thế lực thù định lợi dụng các tình huống này để gây bất ổn chính trị, phá vỡ nền hòa bình chúng ta đang gìn giữ và làm mất hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tóm lại, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung đến công tác TTĐN tuy có nhiều thuận lợi trong tuyên truyền, quảng bá lan tỏa nhanh, chính xác trên toàn thế giới thông qua môi trường mạng nhưng cũng gặp không ít các khó khăn nếu môi trường mạng bị nhiễm mã độc, bị tác động vật lý bởi các tin tặc thì thành quả tuyên truyền quảng bá của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.
(2) Tác động của không gian mạng – mạng xã hội nói riêng đối với công tác TTĐN: kể từ sau cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 năm 2013 đến nay, sự đẩy mạnh phát triển của công nghệ số, hệ sinh thái số, IoT, IoS đã là môi trường lý tưởng cho loại hình mạng xã hội (social network) phát triển nhanh chóng, đa dạng, dưới các hình thức chat (gửi tin nhắn) riêng, nhóm kín, nhóm công khai… Sau một thời gian phát triển, không gian mạng nói chung và mạng xã hội đã được thay đổi và bổ sung thêm nhiều tính năng gửi tin nhắn dưới dạng text (chữ) và hình ảnh, phát video trực tiếp (livestream).
Theo báo cáo số 20/BC-UBQGCĐS ngày 21/10/2022 của Bộ TTTT, thời lượng người dùng các nền tảng số Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng so với tháng 8/2022 từ 12,66% lên 14,13% với trung bình ước tính mỗi thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone dành khoảng gần 10 tiếng/thuê bao/tháng để sử dụng các ứng dụng do trong nước phát triển (tăng hơn 40 phút so với quý trước). Tháng 10/2022, số lượng người dùng thường xuyên các ứng dụng Việt Nam cũng tăng so với tháng 8/2022. Ước tính sơ bộ tỷ trọng người dùng thường xuyên các ứng dụng Việt Nam so với ứng dụng nước ngoài có sự gia tăng nhẹ từ mức 19,22% tháng 8/2022 lên 22,66%. Trong số top 50 ứng dụng có số lượng người dùng nhiều nhất tháng 9/2022, Facebook (Hoa Kỳ) với hơn 75,6 triệu người dùng đang hoạt động đang nắm giữ vị trí #1 về số lượng người dùng, tiếp theo xếp hạng #2 là Zalo (Việt Nam) với hơn 74,1 triệu người dùng đang hoạt động; #3 là YouTube (Hoa Kỳ) đạt 7,1 triệu người dùng đang hoạt động. Ngoài Zalo, một số ứng dụng Việt cũng được xếp thứ hạng cao là Zing MP3 (#17), Ví MoMo (#21), Báo Mới (#26), Vietcombank (#28), BIDV Smart Banking (#35),… Có thể thấy, cư dân mạng xã hội ngày càng đông đảo thì việc công tác thông tin đối ngoại bị tác động bởi không gian mạng, mạng xã hội nói riêng là hiện tượng khác phổ biến.
* Thuận lợi
Có thể nói, tính năng chia sẻ, lan truyền thông tin dưới dạng lời nói, âm thanh, hình ảnh… của mạng xã hội đã hỗ trợ rất hiệu quả cho công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam ra nước ngoài, trong giai đoạn 2011-2020. Đứng trước xu thế chung, các bộ, ngành và cơ quan báo chí, bên cạnh hình thức quảng bá truyền thông truyền thống, đã triển khai quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên nhiều mạng xã hội: facebook, youtube (Bộ Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam), twitter (Bộ Ngoại giao), Instagram (Đài Truyền hình Việt Nam)… Việc triển khai quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội được các bộ, ngành thực hiện đăng, phát hằng ngày hoặc theo định kỳ hằng tuần hoặc hằng tháng. Các cơ quan báo chí có kênh TTĐN (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) đăng, phát tin, bài, ảnh, chương trình hằng ngày, với nhiều thể loại đa dạng. Thông tấn xã Việt Nam thực hiện quảng bá, đăng tải thông tin trên fanpage facebook bản tiếng Việt của Thông tấn xã Việt Nam được cập nhật hơn 20 sản phẩm thông tin bằng các loại hình (văn bản, ảnh, truyền hình và thông tin đồ họa); Truyền hình Thông tấn (Vnews) đưa thông tin trên facebook hàng ngày với khoảng 30-40 lượt thông tin; thông tin livestream, các bản tin online realtime, với các khung giờ 8h, 11h, 18h, 22h trên fanpage đã thu hút được nhiều người xem và nhận được những phản hồi tích cực từ công chúng; Báo Tin tức đưa lên mạng xã hội khoảng 5-10 tin, bài/ngày, tập trung chủ yếu là các thông tin đã đăng tải trên Báo Tin tức, mang tính chính thống về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến toàn thế giới.
Nội dung thông tin được đăng tải tương đối phong phú, đều từ các nguồn tin chính thống. Bằng tính năng đo, kiểm đếm của mạng xã hội đã được đánh giá tốt qua mức độ tiếp cận và tương tác với thông tin của người nghe-xem-đọc/cộng đồng mạng. Do các tính năng, tiện ích có sẵn của mạng xã hội, nhiều người đọc/ cộng đồng mạng dễ dàng có thể tiếp cận được thông tin qua được chia sẻ, bình luận. Trong giai đoạn 2011-2020, dưới sự chỉ đạo của Đảng, của Bộ Chính trị, các bộ, ngành đã có tập trung quảng bá hình ảnh địa phương/hình ảnh đất nước ra nước ngoài trên mạng xã hội, với các nội dung sau: (i) quảng bá công tác chỉ đạo, điều hành, các hoạt động của bộ, ngành, địa phương; cung cấp cho người dân các văn bản quy phạm pháp luật và quy định của nhà nước liên quan đến bộ, ngành; (ii) tuyên truyền thành tựu của Chính phủ, bộ, ngành, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các thành tựu khoa học – công nghệ, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế đất nước, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo vị thế hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đẹp trong lòng các bạn bè quốc tế; (iii) cập nhật thông tin về hoạt động đối ngoại của các Lãnh đạo cấp cao, các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam, lập trường chính thức của Việt Nam về các vấn đề dư luận quan tâm cũng như các nội dung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam; (iv) cập nhật thông tin, quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và tương tác với người nước ngoài; (v) đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, định hướng dư luận, bảo vệ hình ảnh, uy tín của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng vũ trang của Việt Nam…
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đối ngoại tập trung cập nhật kịp thời hằng ngày những thông tin thời sự trong nước và quốc tế về các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch. Chủ yếu các tin, bài được chia sẻ trên trang fanpage của các cơ quan báo chí được lấy từ các chương trình, sản phẩm báo chí được phát sóng, đăng tải trên các phương tiện truyền thông của các báo.
Ngoài việc tuyên truyền quảng bá là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan nhà nước, chúng ta cũng có một lực lượng không nhỏ là các nhà ngoại giao, cơ quan ngoại giao Việt Nam, sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tham gia trên facebook, dưới hình thức sử dụng các tài khoản facebook cá nhân, fanpage để đưa thông tin về tình hình đất nước, kinh tế, chính trị của Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Các tài khoản facebook cá nhân của các nhà ngoại giao được tương tác, chia sẻ với nhiều bạn bè trong cộng đồng mạng, trong số đó có nhiều người là bạn bè quốc tế. Các fanpage của các cơ quan ngoại giao Việt Nam và các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng để kiều bào, người làm việc ở nước ngoài, học sinh, sinh viên Việt Nam kết nối, được hỗ trợ bảo vệ trong các tình huống khẩn cấp: thiên tai, bệnh dịch và một số trường hợp xảy ra bất ổn, xung đột về chính trị của nước sở tại. Và các kết quả được hỗ trợ cũng được lan tỏa trên mạng xã hội.
Bên cạnh các nhà ngoại giao Việt Nam, các nhà học giả, quan sát viên nước ngoài: giáo sư Carl Thayer Học viện Quốc phòng Australia cũng có nhiều bài viết có nội dung tích cực về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam; các bài viết phân tích sâu bác bỏ hành động quảng bá Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò chín đoạn, Trung Quốc hạ giàn khoan 981 bất hợp pháp trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đưa các hình ảnh bản đồ cổ số có Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam với nhiều phân tích xác đáng, có giá trị… được lan truyền rộng trên mạng xã hội, thông qua các tài khoản mạng xã hội cá nhân của họ. Họ là những người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng mạng toàn cầu.
Các kiều bào, người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, học sinh, sinh viên cũng có các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, tham gia hoặc lập, quản lý các fanpage hoặc các nhóm trên mạng xã hội như cộng đồng người Việt ở Châu Âu, ở Mỹ; Hội nhóm sinh viên, học sinh; Hội nhóm doanh nhân… cũng là một kênh thông tin hữu hiệu trên mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hình ảnh Việt Nam.
Nhờ các kênh thông tin trên mạng xã hội, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam trở nên gần gũi với thế giới, là đối tác tin cậy trong hợp tác chiến lược giữa Việt Nam với các nước; tính nhân văn, thân thiện, môi trường chính trị ổn định của Việt Nam là những điểm sáng để các nước trong khu vực và thế giới lựa chọn đối tác. Làm tốt công tác cứu hộ các tàu cá và ngư dân của Trung Quốc trên biển Đông (kể cả các tàu cá của ngư dân xâm phạm lãnh hải của Việt Nam vẫn được cư xử tốt, cảnh sát biển bắt và trao trả nguyên vẹn cả người và tàu cho phía Trung Quốc) được quốc tế đánh giá tính cao nhân văn; phân định cắm mốc biên giới trên bộ với các nước có chung đường biên giới: Trung Quốc, Campuchia không để xảy ra xung đột vũ trang.
* Khó khăn
Nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng, mạng xã hội sử dụng làm công cụ đưa các thông tin có nội dung xấu, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và những thông tin độc hại khác… chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội Facebook và Google.
Cán bộ, đảng viên cần nêu cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia sử dụng mạng xã hội
Trên facebook, các đối tượng bất đồng chính kiến sử dụng mạng xã hội để đăng tải, tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu độc, kích động chống phá nhà nước Việt Nam. Để thực hiện được hành vi này, các đối tượng có thể thiết lập các tài khoản, trang cộng đồng giả mạo, mạo danh các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Một số đối tượng khác lợi dụng tính năng bảo mật thông tin, giữ bảo mật danh tính, thông tin người sử dụng của mạng xã hội để lập các tài khoản ảo và đưa thông tin chống phá. Các tài khoản, trang cộng đồng giả mạo, mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người nổi tiếng, các tổ chức, cơ quan nhà nước hoạt động thường xuyên, công khai, ví dụ như các tài khoản giả mạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc… Ngoài ra còn có các trang cộng đồng (fanpage) giả mạo, mạo danh một số tổ chức, cơ quan Nhà nước như: Hội đồng Lý luận Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, báo điện tử VnExpress, VietnamNet… Các đối tượng lập các tài khoản, trang cộng đồng giả mạo nhằm mục đích chính trị hoặc dân sự, cụ thể là thông qua việc lập các tài khoản giả mạo để đưa các thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo, gây phương hại đến danh dự, uy tín của các cá nhân, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.
Tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu độc nhằm bôi nhọ, phỉ báng các tổ chức, cơ quan Nhà nước và kích động chống phá nhà nước Việt Nam: Đây là một trong những vi phạm rất nghiêm trọng trong việc đăng tải nội dung, thông tin trên mạng xã hội facebook. Có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt các nội dung thông tin sai sự thật về các cơ quan, tổ chức, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mang tính chất xuyên tạc, bóp méo chủ trương, đường lối chính sách của các Đảng và Nhà nước. Các trang, tài khoản này đã đăng tải, chia sẻ, phát tán các nội dung sai sự thật, vi phạm pháp luật Việt Nam, thậm chí kích động biểu tình, bạo loạn vào các dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước như Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Quốc khánh 02/9…
Tương tự như facebook, trên youtube xuất hiện rất nhiều các video đưa thông tin xấu độc, sai sự thật, tuyên truyền, kích động chống phá nhà nước Việt Nam, đặc biệt, phần lớn các video này được sản xuất, đăng tải và chia sẻ chỉ bởi một số kênh (channel) youtube. Nói cách khác, các kênh vi phạm này là nguồn phát tán của phần lớn các nội dung xấu độc trên mạng xã hội youtube. Có thể nhận thấy, nguyên nhân vi phạm nội dung trên youtube là do youtube không giám sát chặt nội dung đăng tải – đặc biệt là video từ các kênh mà youtube trực tiếp quản lý; cho bật kiếm tiền cho các kênh có nội dung cổ súy hành xử giang hồ, lối sống thiếu văn hóa, câu like rẻ tiền, vi phạm pháp luật mà đó không phải là văn hóa hay hình ảnh phổ biến của Việt Nam nhưng khi phát lên youtube như trở thành “một phần văn hóa xấu” của người Việt, đồng thời gây nên hậu quả là khuyến khích phát triển các nội dung này trên youtube. Đây chính là thách thức lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác TTĐN, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, tạo thuận lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, tham gia hoặc lập, quản lý các fanpage hoặc các nhóm trên mạng xã hội như cộng đồng người Việt ở Châu Âu, ở Mỹ; Hội nhóm sinh viên, học sinh; Hội nhóm doanh nhân… cũng có nhiều tài khoản đưa thông tin tiêu cực, xuyên tạc, sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng ảnh hưởng đến hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam; làm nhiều bạn bè quốc tế không có nhiều cơ hội tiếp xúc tìm hiểu về Việt Nam hiểu sai và tiếp tục chia sẻ những thông tin sai lệch đó có những bình luận, kích động chống phá Việt Nam.
(còn nữa)
Tác giả:
Đinh Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TTTT
Mai Thị Thu Lan – Chuyên viên Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TTTT