Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, khó lường, đang hoàn thành việc tổng rà soát phòng cháy chữa cháy ở chung cư mini trước ngày 15/11. Công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá để có những giải pháp phòng ngừa là cần thiết đối với tất cả mọi lĩnh vực, không chỉ riêng với hỏa hoạn hay những lĩnh vực đã từng xảy ra sự cố. Tiếc là việc này chúng ta còn chưa làm tốt, chỉ đến khi “sự đã rồi” cơ quan chức năng mới “giật mình” nhớ đến và ban hành văn bản yêu cầu rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng thì quả là đáng tiếc. Cần phải coi công tác rà soát kiểm tra, đánh giá là công tác định kỳ và phải được làm thường xuyên, chứ không thể để hễ cứ xảy ra sự cố thì mới thực hiện việc rà soát, kiểm tra, siết chặt, lập lại kỷ cương. Có như vậy mới không bị lặp lại tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Hơn 1.900 vụ cháy, làm chết 144 người
Theo báo cáo, từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023, cả nước xảy ra hơn 1.900 vụ cháy, làm chết 144 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước hơn 315 tỷ đồng và 306 ha rừng. Trong đó, 93 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 144 người, bị thương 67 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 280 tỷ đồng. Các vụ cháy xảy ra chủ yếu trong khu dân cư, nhất là loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Như vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 12/9 khiến 56 người tử vong.
Chính phủ nêu rõ, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường. Về việc xử lý các công trình chưa bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, Chính phủ cho biết, qua rà soát, cả nước có 5.805 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng. Hơn 8.000 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng. Với các công trình này, công an các địa phương kiên quyết xử lý hành vi vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và đăng tải công khai thông tin.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, theo Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2023, Bộ đã chỉ đạo kiểm tra hơn 510.000 cơ sở, phát hiện gần 250.000 tồn tại, thiếu sót. Các cơ quan chức năng lập gần 30.000 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Xử phạt gần 9.000 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy với tổng tiền phạt gần 290 tỉ đồng. Đồng thời, tạm đình chỉ hoạt động gần 4.000 trường hợp và đình chỉ hơn 3.000 trường hợp.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, hiện Bộ chỉ đạo lực lượng Công an cả nước chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao… Việc này nhằm đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp hạn chế cháy, nổ và sẽ hoàn thành trước ngày 15/11 để tập hợp báo cáo.
Chính phủ cho hay, tại nhiều địa phương, nhất là đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý của Nhà nước. Một số chủ đầu tư không chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng.
Trong những nguyên nhân chủ quan được đề cập, Chính phủ cho rằng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của địa phương, người đứng đầu các cơ quan về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý hoạt động xây dựng. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh…
Báo cáo chỉ rõ các loại hình “biến tướng” này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây khó khăn cho cơ quan quản lý do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao. Từ đó, Chính phủ đề nghị, Quốc hội chỉ đạo hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phòng cháy chữa cháy. Tăng cường giám sát nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi xem xét, quyết định việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm. Theo báo cáo, ngân sách đầu tư cho công tác này khoảng gần 3.300 tỷ đồng, trong đó hơn 1.200 tỷ được đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; hơn 350 tỷ để xây dựng trụ sở, doanh trại và hơn 1.600 tỷ chi cho các hoạt động khác.
Không chỉ là việc “dột đâu che đấy”
“Rà soát” là cụm từ được nhắc đến và sử dụng nhiều sau mỗi sự cố hoặc tai họa xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực trong thời gian vừa qua. Cần thay đổi tư duy “mất bò mới lo làm chuồng”, cứ xảy ra sự cố thì mới cấp tốc rà soát, kiểm tra. Phải chăng lâu nay, khâu kiểm tra, đánh giá chưa được coi trọng đúng mức trong công tác quản lý nhà nước các cấp ở một số lĩnh vực? Bài học nào được rút ra từ thực tế?
Trong nhiều năm qua, mỗi khi có sự cố chết người nghiêm trọng, những người đứng đầu chính quyền địa phương và các cấp các ngành lại ban hành chỉ thị, công văn yêu cầu kiểm tra rà soát, tiếp đến là những đợt ồ ạt ra quân kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến các sự cố đó. Nhưng, do những giải pháp này chỉ mang tính tình thế.
Một lần nữa, hồi chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta về mối tai họa khôn lường của hỏa hoạn. Đau xót quá, vụ cháy chung cư mini tại địa chỉ số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) xảy ra vào khoảng 23h20 ngày 12/9 khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương (tính đến 19h tối 13/9). Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này gây mất mát, đau thương quá lớn cho các gia đình có người thương vong, gây nỗi ám ảnh lâu dài đối với xã hội. Và hẳn nó cũng gây “giật mình” cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp về vấn đề đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân nói chung và trong công tác phòng cháy, chữa cháy nói riêng.
Ngay sau sự cố hỏa hoạn xảy ra, Hà Nội đã cấp tốc yêu cầu các quận, huyện tổng kiểm tra, rà soát tất cả cơ sở nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trên địa bàn, đặc biệt là chung cư mini. Tuy nhiên, từ sự cố của vụ hỏa hoạn ở phố Khương Hạ, cơ quan chức năng sẽ tìm ra những nguyên do dẫn đến sự cố nghiêm trọng này, nhưng chắc hẳn cũng không ít những bất cập trong công tác quản lý nhà nước… mà trong đó, sự chồng chéo về trách nhiệm, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý hoặc chủ quan, coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát không thể không được điểm mặt, chỉ tên.
Có lẽ, không riêng sự cố hỏa hoạn nghiêm trọng này mới khiến người ta phải giật mình. Cộng đồng hẳn chưa quên vụ cháy quán Karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) làm 13 người chết, và Hà Nội cũng đã cấp tốc ra quyết định tạm dừng hoạt động tất cả các quán Karaoke trên địa bàn để tổng rà soát. Công tác tạm dừng hoạt động để rà soát về phòng, chống cháy nổ các quán Karaoke cũng vấp phải không ít bất cập.
Những tranh luận trái chiều của dư luận về công tác cấp phép phòng cháy, chữa cháy đối với lĩnh vực Karaoke… chưa lắng xuống thì sự cố cháy nổ lại xảy ra. Tuy nhiên, những cái chết thương tâm dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh cộng đồng cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống cháy nổ. Để hôm nay, xã hội lại phải rơi nhiều nước mắt khi nhận thêm tin dữ về hỏa hoạn và những cái chết đầy oan uổng của những sinh linh vô tội ở chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, Hà Nội.
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra ồ ạt, đi cùng với nó là làn sóng di dân từ nông thôn về thành thị làm cho nhu cầu nhà ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tăng đột biến. Với bối cảnh công tác quản lý xây dựng đô thị không nghiêm minh như hiện nay, nếu phòng chống cháy nổ theo kiểu dột đâu che đấy thì không thể tránh được những thảm họa tang thương. Vì vậy, để tránh hậu quả do thần lửa gây ra cần phải có giải pháp vừa mang tính bao quát, đồng bộ vừa phải rất chi tiết, cụ thể.
Công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá để có những giải pháp phòng ngừa là cần thiết đối với tất cả mọi lĩnh vực, không chỉ riêng với hỏa hoạn hay những lĩnh vực đã từng xảy ra sự cố. Tiếc là việc này chúng ta còn chưa làm tốt, chỉ đến khi “sự đã rồi” cơ quan chức năng mới “giật mình” nhớ đến và ban hành văn bản yêu cầu rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng thì quả là đáng tiếc.
Cần phải coi công tác rà soát kiểm tra, đánh giá là công tác định kỳ và phải được làm thường xuyên, chứ không thể để hễ cứ xảy ra sự cố thì mới thực hiện việc rà soát, kiểm tra, siết chặt, lập lại kỷ cương. Có như vậy mới không bị lặp lại tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Khánh An