Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các bộ LĐ&TB-XH, NN&PTNT, GTVT, Y tế, VH-TT&DL, TN&MT; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, TTXVN; Lãnh đạo các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, KH&ĐT, Ngoại giao, Công Thương, Xây dựng… và các bí thư tỉnh ủy, thành ủy của 26 tỉnh, thành phố.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân.
Hội nghị nhằm sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời đề ra giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, cơn bão số 3 có những đặc điểm bất thường. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, đổ bộ vào Bắc Bộ vào cuối mùa mưa lũ ở khu vực Bắc Bộ, các hồ chứa đã chuyển sang giai đoạn tích nước phục vụ mùa khô.
Là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (từ bão tăng lên cấp siêu bão (tăng 8 cấp trong 48 giờ) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.
Mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường: thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13.
Phạm vi ảnh hưởng rộng, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ), thông thường chỉ khoảng 6-8 giờ hoặc tan nhanh. Nguyên nhân là do vùng ảnh hưởng gió mạnh rộng, suy yếu chậm trên đất liền.
Về kết quả công tác dự báo:
Cơ bản, chính xác, kịp thời và tương đồng với các cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực và thế giới. Việt Nam tham gia mạng lưới hệ thống cơ quan mạng lưới của khu vực và thế giới bao gồm cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)… Trung tâm có chia sẻ và trao đổi với các chuyên gia quốc tế thì kết quả đều tương đồng.
Về khó khăn, hạn chế:
Chưa tính toán, dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền (chưa từng xảy ra trong lịch sử) và thời gian tồn lưu bão kéo dài hơn bình thường.
Với công nghệ hiện nay chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200mm/6h, các thông tin tính toán hiện nay chưa xác định được cường độ mưa lớn trong thời đoạn ngắn và khu trú được lượng mưa tập trung trên lưu vực sông Thao, sông Lô.
Chưa tính toán, dự báo sớm được lũ lịch sử lên nhanh với cường suất lớn tại một số vị trí trên sông Thao.
Chưa cảnh báo được chi tiết đến thôn, bản, điểm lũ quét, sạt lở đất.
Về nguyên nhân:
Đặc điểm địa hình địa chất khu vực trung du Miền núi phía Bắc chia cắt mạnh, biến động phức tạp theo không gian.
Có nhiều yếu tố bất thường về diễn biến bão số 3 và tính chất mưa, lũ.
Công nghệ quan trắc, dự báo thiên tai (bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở) đã đạt trình độ các nước trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế để đánh giá, dự báo được các chỉ số cực đoan, bất thường chưa được như mong muốn.
Công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản hiện nay còn rất khó khăn, hạn chế về mặt khoa học, kể cả các nước tiên tiến (ngay cả khi có được hệ thống quan trắc mưa, quan trắc dịch chuyển đất đủ dày).
Đánh giá chung công tác cảnh báo, dự báo, thông tin tuyên truyền về mưa lũ, sạt lở đất được cơ quan Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định. Thông tin dự báo, cảnh báo về cơ bản phù hợp với diễn biến thực tế của mưa lũ dù trên thực tế có nhiều điểm bất thường và cũng đồng nhất với dự báo của các cơ quan dự báo quốc tế được cập nhật từng giờ. Tuy nhiên, dự báo chỉ số cực đoan, bất thường và dự báo chi tiết lũ quét sạt lở đất ở từng thôn bản chưa được như mong muốn.
Về đề xuất, kiến nghị:
Thường xuyên theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm của địa phương để có phương án ứng phó, phòng tránh, nhất là các vị trí, địa bàn xung yếu.
Chủ động, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng bản đồ tỉ lệ lớn về sạt lở đất theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/10/2023 phê duyệt Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đôn đốc các cơ quan chức năng, các chủ hồ chứa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, thực hiện chế độ quan trắc, thông tin hồ chưa theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Rà soát các phương án vận hành hồ chứa với kịch bản mưa lũ cực đoan, đặc biệt là khu vực Miền Trung đang được cảnh báo khả năng xảy mưa lũ dồn dập và mùa lũ kết thúc muộn trong các tháng 10-11/2024 do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mức nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường theo quy định tại Khoản 8, Điều 50 Luật Tài nguyên nước.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-truong-do-duc-duy-cong-tac-du-bao-bao-so-3-co-ban-chinh-xac-kip-thoi-tuong-dong-voi-canh-bao-cua-cac-co-quan-khi-tuong-thuy-van-trong-khu-vuc-va-the-gioi-380797.html