(QNO) – Sáng nay 26/5, phát biểu kết luận hội nghị chuyên đề quý II, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh, sau hội nghị này đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền tạo nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội; tập trung tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.
Đặt chỉ tiêu thay đổi “nếp nghĩ”, “cách làm”
Thảo luận tại hội nghị chuyên đề quý II, các ngành, địa phương đã phân tích làm rõ hơn những kết quả và mặt còn hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Quy định 124 của Ban Bí thư. Trong đó, có nội dung về đánh giá kết quả giải quyết, xử lý các vấn đề được kiến nghị sau giám sát, việc tiếp thu ý kiến phản biện, góp ý của cơ quan chức năng đối với các nội dung được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và tổ chức chính trị – xã hội tổ chức.
Nhiều lượt ý kiến cũng dành sự quan tâm thảo luận về nội dung thực hiện Chỉ thị 29, ngày 6/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và dự thảo Đề án nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế – xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ người dân miền núi phát triển kinh tế – xã hội là đúng đắn, nhưng nếu chỉ nghĩ đến việc hỗ trợ mà không tập trung cho vấn đề căn cơ là phải thay đổi được nếp nghĩ, khơi dậy tính chủ động vươn lên của người dân thì các nguồn lực đầu tư sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Kinh tế – xã hội miền núi, nhất là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, nghèo khó.
Việc nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế – xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, đề án cần định lượng rõ về mức các chỉ tiêu, trong đó, có chỉ tiêu phấn đấu ít nhất 70% trở lên người dân trong độ tuổi lao động chuyển đổi được nhận thức trong “nếp nghĩ, cách làm”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực vươn lên, chủ động vào cuộc của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tích cực hưởng ứng và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần bổ sung (kể cả trong quan điểm) và nhấn mạnh giải pháp về phát huy giá trị bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, để từ đó có cơ sở cụ thể hóa trong việc xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tạo động lực khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết, phấn đấu vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc miền núi cần được hết sức quan tâm, khi đó, nguồn lực đầu tư phát triển miền núi mới thật sự phát huy hiệu quả…
Xem xét ban hành nghị quyết về công tác dân vận ở miền núi
Phát biểu kết luận và bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 214 của Ban Bí thư, tại Quảng Nam đã làm được rất nhiều việc. Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội đã hết sức cố gắng. Có được thành tựu phát triển của tỉnh hôm nay có vai trò của công tác giám sát, phản biện xã hội.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhiều đề tài, đề án lớn của tỉnh khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề nghị, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh đã tổ chức rất tốt các hội nghị phản biện, góp ý rất sâu sắc, để trên cơ sở đó tiếp thu hoàn chỉnh trước khi ban hành. Hay cũng chỉ ra những hạn chế, nhược điểm trong quản lý nhà nước, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, ngoài bám sát các văn bản mới của Trung ương, đối tượng thực hiện giám sát, phản biện xã hội cần lựa chọn vấn đề trọng tâm, dư luận quan tâm và có tác động sâu rộng đến đối tượng bị điều chỉnh. Đặc biệt, ít nhất một lần trong năm, các cấp ủy, người đứng đầu phải tổ chức đối thoại để nghe ý kiến nhân dân, giải đáp, trả lời, tiếp thu chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nhân dân kiến nghị. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, phản biện xã hội.
Về kết quả thực hiện Chỉ thị 29 và đề án được hội nghị thảo luận, góp ý, theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, phát triển kinh tế – xã hội miền núi được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hiện có 34 nghị quyết về các nội dung liên quan đến phát triển miền núi, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, thực tiễn nguồn lực đầu tư lớn, nhưng sự nỗ lực phấn đấu, tự vươn lên của đồng bào miền núi còn hạn chế. Cần tiếp tục quan tâm về nhiều mặt gắn với những giải pháp căn cơ, bằng những mô hình hay, cách làm hiệu quả về phát triển kinh tế để thay đổi cách nghĩ, cách làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác dạy nghề cũng phải tiếp tục, nghiên cứu những nghề truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng…
Công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số phải cụ thể là nói thì phải làm, thuyết phục bằng những cách làm hay, hiệu quả để thay đổi nhận thức, khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp thu hoàn chỉnh đề án, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xem xét ban hành nghị quyết hay chỉ thị để các địa phương có cơ sở thực hiện, nếu không đề án ban hành cũng chỉ là đề án…