Nguồn gốc đất 12.960m2 ở xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang) là của ông T.V.N và bà H.T.A cho con gái T.C.H vào năm 1999 khi H chưa lập gia đình. Ngày 7-5-2003, chị H được UBND huyện An Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2013, chị T.C.H qua đời, cháu Đ.Q.K (con của chị H) ở với ông bà ngoại; đến năm 2015, anh Đ.V.S (chồng của chị H) có vợ khác nên ông T.V.N và bà H.T.A yêu cầu chính quyền địa phương hòa giải, sau đó thì khởi kiện tại tòa chia thừa kế 12.960m2 đất (đo đạc thực tế là 12.226,1m2) cho cháu K để K có điều kiện chăm sóc phần mộ của mẹ mình đang tọa lạc trên đất này.
Tuy nhiên, anh S cho rằng mình và chị H chung sống với nhau từ tháng 11-2000, đến năm 2006 thì đăng ký kết hôn, đã có khoảng thời gian cải tạo đất nên không chấp nhận yêu cầu của cha mẹ vợ.
Ảnh minh họa. Nguồn: VietNamNet
Cấp sơ thẩm xác định hàng thừa kế bao gồm ông T.V.N và bà H.T.A (cha mẹ ruột), anh Đ.V.S (chồng) và cháu Đ.Q.K (con) của chị H. Sau khi đã xem xét công sức đóng góp của từng người trong hàng thừa kế, di sản thừa kế được chia thành bốn phần bằng nhau. Hiện anh S cho vợ chồng anh R thuê đất nuôi tôm, mỗi năm khoảng 20 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh S vẫn giữ nguyên kháng cáo, thừa nhận nguồn gốc đất là của cha mẹ cho vợ, nhưng quá trình sử dụng vợ chồng đã có công cải tạo đất nên xem đây là tài sản chung của vợ chồng. Anh chỉ đồng ý chia làm 2 phần, cho mình và cho cháu K nhưng phần đất này phải do anh quản lý, đến khi K lập gia đình thì anh sẽ trả lại cho K hưởng.
Tòa phúc thẩm nhận định, ông N, bà A, cháu K đều xác nhận nguồn gốc đất là do ông N, bà A cho chị H trước thời kỳ hôn nhân nên xem đây là tài sản riêng của chị H. Trong thời kỳ hôn nhân, anh S không chứng minh được họ có thỏa thuận sát nhập đất này vào tài sản chung của vợ chồng, việc anh S có công sức cải tạo đất và đang hưởng hoa lợi trên đất không phải là căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng.
Đối với cháu K, tuy không có công sức đóng góp, nhưng do là con duy nhất của chị H và là người chưa thành niên; anh S đã có vợ khác và hiện không nuôi cháu K nên cần đảm bảo cuộc sống cho cháu, chia cho cháu kỷ phần thừa kế bằng với những người khác là hoàn toàn phù hợp.
Từ những nhận định trên, Tòa án nhân dân tỉnh vừa bác kháng cáo của anh S, sửa bản án sơ thẩm chia di sản thừa kế của chị H 12.226,1m2 đất thành 4 suất thừa kế, mỗi suất 3.056,5m2. Cháu K được hưởng 3/4 di sản là quyền sử dụng đất với diện tích 9.169,5m2 có phần mộ của mẹ K; trong đó, có 1/4 là hưởng thừa kế, 2/4 là của ông N, bà A nhường lại kỷ phần cho cháu ngoại. Anh S được hưởng 1/4 kỷ phần thừa kế của vợ, diện tích 3.056,5m2, đồng thời có trách nhiệm tháo dỡ, di dời căn nhà tạm trên phần đất của K được hưởng. Trong 3 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực, vợ chồng anh R có trách nhiệm thu hoạch tôm để giao trả diện tích đất mà cháu K được nhận thừa kế.
Trong quá trình thực hiện, anh S có trách nhiệm giao bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chị H để cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục, trường hợp anh S không tự nguyện giao bản gốc thì cháu K có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ để thực hiện thủ tục theo Luật Đất đai.
Về án phí, anh S phải chịu 6.877.187 đồng, cháu K chịu 20.505.205 đồng trên số đất là di sản thừa kế được hưởng. Chi phí thẩm định giá tài sản 5.324.000 đồng vợ chồng bà A tự nguyện nộp.
ĐỊNH GIANG