DNVN – Chia sẻ tại tọa đàm về “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống” chiều ngày 15/5, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo, hệ thống điện có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng. Đây là thách thức rất lớn cho EVN và các đơn vị thành viên trong những tháng cao điểm nắng nóng.
Theo ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN, 4 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và biến động khắc nghiệt của thời tiết, nắng nóng kéo dài, EVN đã bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 4, điện thương phẩm toàn quốc đạt 26,8 tỷ kWh và sản lượng này tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn lại 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023.
Năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%. Như vậy, riêng 4 tháng đầu năm 2024, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023 và đây cũng là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Trong tháng 4/2024, hệ thống điện đã lập những kỷ lục mới, cao hơn rất nhiều so với công suất và sản lượng trong quá khứ. Vào 13h30 ngày 27/4/2024, công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia đã đạt 47.670 MW, tăng trưởng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn công suất cực đại năm 2023 là 1.929 MW. Đây là con số kỷ lục trong toàn bộ quá trình 70 năm của ngành điện lực Việt Nam.
Tọa đàm tập trung đưa ra những giải pháp tiết kiệm điện cho những tháng nắng nóng sắp tới.
Về sản lượng, ngày 26/4/2024, sản lượng điện toàn quốc đạt 994 triệu kWh, tăng 14,3% so với 2023 và tăng 7,6% so với ngày cao nhất của 2023. Tính theo giá trị tuyệt đối thì số lượng này tăng 70 triệu kWh trong 1 ngày của ngày 26/4.
Tuy nhiên, những kỷ lục này đều xảy ra vào những ngày nghỉ lễ. Đó là thời kỳ bắt đầu mùa nắng nóng ở miền Bắc và cũng là mùa nắng nóng ở miền Trung.
“Chúng tôi dự báo trong năm 2024, vào những tháng sắp tới, hệ thống điện của chúng ta có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng. Đây là những thách thức rất lớn mà EVN và các đơn vị thành viên phải cố gắng nỗ lực để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong những tháng cao điểm nắng nóng”, ông Lâm nhấn mạnh.
TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 của Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 đã đưa ra rất cụ thể về nhiệm vụ và giải pháp cho các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương.
Một trong những nỗ lực rất quyết liệt là vừa rồi chúng ta thêm đường truyền tải điện từ Quảng Bình đến Hưng Yên. Đây là một trong những giải pháp để tăng hiệu quả sử dụng điện, phân phối điện. Trong chương trình tiết kiệm điện quốc gia, những hành động này thể hiện tính tích cực, tầm nhìn cao. Đó là cách làm của Chính phủ hiện nay, rất tích cực.
“Tới đây, chúng ta đương đầu với nhu cầu tăng cao không phải chỉ do thời tiết. Quy hoạch Điện VIII là một cách xử lý vấn đề này, đang được triển khai ráo riết và hành động của Chính phủ cũng mang tính đốc thúc cao như Thủ tướng đi khảo sát ở Cần Thơ, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn… Nếu không đốc thúc thì nguy cơ vỡ trận nguồn cung ngành điện”, ông Thiên nói.
Ông Thiên khuyến nghị, cần có giải pháp hữu hiệu trong việc phân phối nguồn điện. Có giải pháp biến ý thức tiết kiệm điện như là nét văn hóa. Cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người. Thời gian qua, truyền thông đã làm mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo, tới đây sẽ phải làm tốt hơn nữa.
Hà Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/cong-suat-su-dung-dien-co-the-pha-ky-luc-tao-thach-thuc-lon-cho-evn/20240515050306651