Công Phượng thừa nỗ lực nhưng chỉ sợ rằng là chưa đủ để tranh một vị trí chính thức ở tuyển Việt Nam, bất chấp HLV Philippe Troussier vẫn dành cho anh cơ hội không nhỏ, khiến Công Phượng rơi vào viễn cảnh đầy thách thức.
Công Phượng gần như không có cơ hội ra sân ở Nhật Bản. (Nguồn: Yokohama FC) |
Cuối năm 2022, Công Phượng cùng Yokohama FC đạt thoả thuận và ký vào bản hợp đồng có thời hạn 3 năm với kỳ vọng thành công hơn những chuyến xuất ngoại trước đó.
Chính Công Phượng cũng đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho bản thân khi nói rằng cố gắng chơi 25 trận, ghi 5 bàn ở màu áo CLB lẫn tuyển Việt Nam trong năm 2023.
Nhưng tới lúc này, khi năm 2023 chỉ còn vài tháng nữa khép lại cựu cầu thủ HAGL mới chỉ ra sân khoảng… 6 giây ở Yokohama FC và một hiệp đấu trong màu áo tuyển Việt Nam.
Và với khoảng thời gian không nhiều, Công Phượng chưa thể ghi bàn cho tuyển Việt Nam như mục tiêu đề ra, ngoại trừ pha lập công ở trận đấu tập trong đợt FIFA Days gần nhất.
Ra sân với khoảng thời gian quá ngắn ngủi, màn trình diễn trong trận giao hữu với Syria trên sân Thiên Trường hồi tháng 6 không nhiều, ít dấu ấn… nên việc Công Phượng có tên ở đợt tập trung dịp FIFA Days này là khá bất ngờ.
Tuy nhiên, cũng dễ hiểu khi thực tế lúc này tuyển Việt Nam không có quá nhiều chân sút xuất sắc nên HLV Philippe Troussier buộc phải gọi cả Văn Toàn, Công Phượng – những người đảm bảo kinh nghiệm quốc tế thay vì mạo hiểm với các tân binh.
Không chỉ có vậy, một số chân sút tiềm năng như Văn Tùng, Minh Quang… bận cùng U23 Việt Nam dự vòng loại U23 châu Á nên cơ hội một lần nữa trao cho 2 đàn anh.
Hiện tại, tuyển Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu tiên chuẩn bị cho trận giao hữu duy nhất dịp FIFA Days trong tháng 9 gặp Palestine tại Nam Định.
Theo kế hoạch, Công Phượng từ Nhật Bản bay về về hội quân cùng tuyển Việt Nam vào đêm ngày 4/9, đồng nghĩa rằng, anh có gần 1 tuần tập luyện với đồng đội và… cạnh tranh vị trí chính thức.
Đương nhiên, quãng thời gian gần 1 tuần sẽ dễ dàng cho một cầu thủ được thi đấu thường xuyên hoà nhập, đảm bảo cảm giác chơi bóng… nhưng với một người chỉ tập chay lại khác.
Quang Hải là một ví dụ, tiền vệ xuất sắc bậc nhất tuyển Việt Nam trong vài năm trở lại đây mất khá thiều thời gian mới tìm lại được cảm giác thi đấu thực thụ, dù mức độ khốc liệt ở V-League không quá cao.
Từ Quang Hải có thể mường tượng đến viễn cảnh đầy thách thức cho Công Phượng. Tiền đạo gốc xứ Nghệ cần “hơi” và “nhịp” thật tốt mới bù đắp được cho khoảng thời gian tập chay ở Nhật Bản, trong khi thời gian lại đang là thứ… ít nhất lúc này đối với Công Phượng.
Công Phượng có kịp chứng tỏ, tấm “vé vớt” mà HLV Troussier tung ra cho anh là hợp tình hợp lý? Nỗ lực và tinh thần cầu tiến của Công Phượng chưa bao giờ thiếu, nhưng thực tế quả thật là bài toán không hề dễ cho chân sút xứ Nghệ vượt qua.