Việc chính phủ Nam Phi chính thức công nhận ngôn ngữ ký hiệu là bước đột phá lớn, giúp những người khiếm thính như Bongumusa Manana có thể vào đại học.
Việc công nhận ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi là một bước quan trọng hướng tới việc thực hiện quyền của những người khiếm thính. (Nguồn: devdiscourse) |
Nam sinh 19 tuổi Bongumusa Manana đang theo học tại ngôi trường dành cho người khiếm thính Sizwile ở Dobsonville, Soweto. Anh đánh giá mô tả việc chính phủ Nam Phi chính thức công nhận ngôn ngữ ký hiệu là bước đột phá lớn, giúp anh có thể vào biến ước mơ vào đại học trở thành hiện thực.
Hồi tháng Bảy, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ký thành luật công nhận ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ chính thức thứ 12 của nước này, cùng với tiếng Anh, isiZulu, Afrikaans và các ngôn ngữ khác. Mục đích của quyết định trên là giúp bảo vệ quyền của người khiếm thính và thúc đẩy sự hòa nhập.
Nhà lãnh đạo nhấn mạnh, ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi là “một ngôn ngữ bản địa cấu thành một yếu tố quan trọng của di sản văn hóa và ngôn ngữ Nam Phi”, có cấu trúc ngữ pháp và từ vựng riêng biệt và độc lập với các ngôn ngữ khác.
Manana chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu rằng, trước đây, người khiếm thính khi đến đồn cảnh sát hoặc đi taxi đều gặp thử thách trong giao tiếp và cũng ít được tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Hiện Nam Phi mới chỉ có khoảng 40 trường học dành cho người khiếm thính và một cơ sở giáo dục đại học mà người khiếm thính có thể tiếp cận được. Điều này có nghĩa chính quyền nước này cần nỗ lực hơn nữa để giúp người khiếm thính tiếp cận giáo dục đại học.
Nhà hoạt động trong lĩnh vực ngôn ngữ ký hiệu, Andiswa Gebashe đánh giá ngôn ngữ ký hiệu “đẹp và phong phú” song cần được phổ biến hơn nữa để ngày càng nhiều người biết đến, từ đó phát triển chúng tốt hơn.
Theo chuyên trang nghiên cứu nhân khẩu học World Atlas, chỉ có 41 quốc gia trên thế giới công nhận ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ chính thức, trong đó có 4 nước châu Phi là Kenya, Nam Phi, Uganda và Zimbabwe.
Nghị sĩ khiếm thính duy nhất trong Quốc hội Nam Phi Wilma Newhoudt-Druchen cho biết, việc nước này công nhận ngôn ngữ ký hiệu là một hành trình dài và các sinh viên khiếm thính luôn mong chờ việc dỡ bỏ các rào cản.
Giờ đây, khi ngôn ngữ ký hiệu trở thành ngôn ngữ chính thức, Manana “biết rằng tôi có thể học đại học và tôi có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực” và hơn nữa, anh “có thể đạt được bất cứ điều gì”.
Ước tính có trên 600 nghìn người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi.