Khảo sát của Ban nữ công (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) chỉ ra tới 65% con công nhân trong các khu công nghiệp thiếu tình cảm cha mẹ, thiếu sự gắn kết gia đình do cha mẹ không có thời gian gần gũi.
Cạnh đó, 41,9% công nhân ở khu công nghiệp gặp khó khăn trong giáo dục kiến thức, nhận thức cho trẻ; 59,6% trẻ chưa được đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí phù hợp lứa tuổi; 61% công nhân bị giảm sự tập trung vào công việc vì lo lắng cho con cái.
“Những điều này ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ cũng như hạnh phúc của gia đình người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” – bà Đỗ Hồng Vân, trưởng Ban nữ công, chia sẻ tại hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc, nuôi dạy con” ngày 21-11.
Còn nhiều “con số biết nói” về khó khăn của người lao động và con em họ. 18% người lao động thường xuyên làm thêm giờ, 48,5% thỉnh thoảng phải làm thêm giờ khi có đơn hàng và thời gian trung bình làm thêm giờ mỗi tuần từ 5-12 giờ.
Do phải đi làm thường xuyên, 52,9% người lao động được khảo sát cho biết ít có thời gian gần con, 16,9% mệt mỏi sau khi làm việc.
Thời gian trung bình dành cho việc chăm sóc, nuôi dạy con dao động từ 1-4 giờ/ngày phụ thuộc vào thời gian làm việc. Nhiều trường hợp phải gửi con về quê, chỉ được chăm sóc con từ xa qua điện thoại hoặc các phương tiện khác.
Có đến 40% lao động nữ di cư có con ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và gần 30% có con ở các cấp học phổ thông phải gửi con về quê cho người thân nuôi dạy, chăm sóc. Đây là khảo sát năm 2023 của Ban nữ công.
Thực tế đầy khó khăn ấy dẫn đến những mong muốn tưởng như là điều hiển nhiên nhưng lại không dễ dàng với người lao động.
Theo đó, có đến 21,3% công nhân trong các khu công nghiệp được khảo sát mong muốn con cái được ở gần bố mẹ. Cùng với đó là mong muốn thu nhập đủ sống (46,6%), được mua hoặc thuê nhà ở xã hội (23,5%).
Bà Hồng Vân nói Ban nữ công được giao xây dựng Đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc, nuôi dạy con” xuất phát từ thực tiễn và vai trò đồng hành của công đoàn. Đề án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025-2028 với mục tiêu hỗ trợ hiệu quả cho công nhân lao động chăm sóc, nuôi dạy con, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng nguồn nhân lực.
Cũng theo khảo sát, tình trạng thiếu nơi giữ trẻ cũng như trường mẫu giáo, mầm non cho con công nhân, người lao động tại khu công nghiệp vẫn là câu chuyện không dễ tháo gỡ, liên quan quy hoạch quỹ đất xây dựng trường, lớp mầm non tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Trong khi giáo dục mầm non ở khu công nghiệp có nhiều lao động đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như với giáo dục mầm non ở vùng sâu vùng xa.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-nhan-mong-duoc-o-gan-con-duoc-o-nha-o-xa-hoi-20241121230734701.htm