Theo kế hoạch, Lễ hội chùa Dâu năm 2024 diễn ra từ ngày 13 đến 15/5 (tức các ngày 6-8-4 âm lịch) với các nghi thức tế lễ truyền thống tại chùa Dâu và các chùa trong hệ thống thờ Tứ pháp.
Lễ khai hội và công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia bộ Mộc bản chùa Dâu diễn ra ngày 13/5 tại khu vực sân chùa Dâu.
Cùng với phần lễ là các hoạt động phần hội như: Hát Quan họ trên thuyền; múa rối nước Đồng Ngư; trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ca trù, trống quân, hát chèo, hát văn…; giao lưu văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian…
Chùa Dâu là công trình di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng tôn giáo đánh dấu sự khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam. Theo các nguồn tư liệu, chùa Dâu được khởi dựng từ Thế kỷ II, là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên đã tạo nên một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộcVào thời Trần, chùa Dâu được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho xây dựng với quy mô “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”.
Đến nay chùa Dâu vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính và lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý giá như: Gần 100 pho tượng Phật, 22 bia đá, 1 chuông đồng, 1 khánh đồng được tạo tác vào các thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017, bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) được công nhận Bảo vật quốc gia.
Chùa Dâu hiện đang bảo lưu 107 ván mộc bản, trong đó có 92 ván được khắc 2 mặt và 15 ván khắc 1 mặt, tổng số là 199 mặt ván khắc, chia làm 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi (ván chưa xác định được tên gọi).
Mộc bản chùa Dâu được khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn (từ 1752 đến 1859), là nguồn di sản tư liệu phong phú giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự ra đời của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp vùng Dâu, về sự ra đời và phát triển của Phật giáo Việt Nam, về các nghi thức cầu mưa cầu tạnh, lịch sử nghề khắc in mộc bản và nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của Việt Nam…
Với những giá trị tiêu biểu, Mộc bản chùa Dâu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 12 năm 2024.
Đến nay tỉnh Bắc Ninh có tổng số 18 bảo vật, nhóm Bảo vật Quốc gia được công nhận.
Nguồn: https://www.congluan.vn/cong-nhan-moc-ban-chua-dau-la-bao-vat-quoc-gia-post295313.html