Trao đổi với phóng viên Dân trí, tập thể công nhân của nhà máy dệt kim Haprosimex thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex đã làm đơn gửi ra tòa đề nghị thụ lý, giải quyết việc công ty này nợ lương người lao động 7 năm qua.
Trước đó, sáng 13/9, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức buổi hòa giải thứ hai giữa tập thể người lao động với Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex về việc thanh toán tiền lương còn nợ.
Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex tiếp tục không có mặt. Trong buổi hòa giải trước đó (chiều 29/8), đơn vị này cũng đã vắng mặt.
Theo biên bản hòa giải tranh chấp lao động, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Hoàn Kiếm cho biết, tập thể người lao động có thể nộp đơn tới tòa án nhân dân đề nghị giải quyết tranh chấp lao động với Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex theo đúng quy định pháp luật.
Gần 50 công nhân của nhà máy dệt kim Haprosimex thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex bị nợ lương 9 tháng, từ tháng 11/2016 đến tháng 7/2017.
Được biết, tập thể người lao động đã gửi đơn lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Hoàn Kiếm từ giữa tháng 8. Sau đó 1 tuần, phía người lao động nhận được giấy mời đến buổi hòa giải tranh chấp lao động.
Cuối năm 2016, Công ty TNHH MTV Haprosimex (khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi thành Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex.
Khi ấy, giám đốc và kế toán của công ty bị bắt. Đơn vị này nợ ngân hàng, không thể tiến hành cổ phần hóa, buộc phải chuyển quyền quản lý tài sản sang Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Tháng 10/2016, người lao động của công ty nhận được thông báo tạm nghỉ việc. Quá trình chuyển đổi phức tạp, đến nay đã 7 năm trôi qua, quyền lợi của những người lao động vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tại cuộc họp giữa đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex và người lao động vừa qua, về phần nợ lương của người lao động, đại diện công ty nêu rõ sẽ thanh toán hết vào quý 4 năm 2023.
Tuy nhiên, ngày 4/7 vừa qua, Công ty Haprosimex gọi người lao động đến nhận tiền nợ lương 9 tháng. Hơn 50 công nhân mừng vui vì được tháo gỡ cho những vướng mắc suốt 7 năm.
Song, công nhân bị công ty ép nhận 50% số lương nợ theo số liệu lương nội bộ (tương đương mức lương tối thiểu vùng). Để nhận được khoản tiền đó, người lao động phải ký xác nhận vào biên bản làm việc do công ty thảo sẵn, cam kết không yêu cầu Haprosimex thanh toán bất kỳ khoản tiền nào khác, không thực hiện bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào về vấn đề tiền lương và chế độ lao động giữa người lao động và công ty Haprosimex.
Chính vì vậy, nhiều người lao động đã không đồng ý nhận số tiền trên.