Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã từng bước có chuyển biến tích cực, trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đã được nâng cao. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản đã có ý thức chấp hành pháp luật, đầu tư các dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, chế biến sâu nhằm tăng năng suất và hiệu quả của nguồn tài nguyên, đóng góp tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết công việc cho người lao động.
Sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, UBND tỉnh chỉ đạo và ban hành nhiều quyết định, chỉ thị nhằm cụ thể hóa văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 129-CTr/TU ngày 14/7/2022 hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Đối với giấy phép thăm dò khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 12 giấy phép/12 khu vực; UBND tỉnh cấp 39 giấy phép/39 khu vực. Ngoài ra, đã rà soát, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố 03 khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.
Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng góp tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết công việc cho người lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều công trình xây dựng hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là công trình trọng điểm quốc gia như tuyến cao tốc Bắc – Nam… nên việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững là nhân tố rất quan trọng.
Hàng năm, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng và thực hiện chương trình tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản: Phổ biến đến các đối tượng cán bộ, công chức quản lý từ UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đến UBND cấp xã; Phổ biến và tuyên truyền các quy định mới có liên quan đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường gắn trách nhiệm của chủ giấy phép khai thác khoáng sản, trách nhiệm ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế: sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác có mặt chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; công tác thanh kiểm tra có lúc chưa thường xuyên; quản lý nhà nước ở một số nơi chưa chặt chẽ, tình trạng khai thác khoáng sản không có giấy phép các địa bàn các xã, vẫn còn (nhất là tình trạng khai thác cát lòng sông suối, đất san lấp, đá chẻ) và chưa được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý từ khi mới bắt đầu,…
Hiện nay, UBND tỉnh đã cấp trên 86 giấy phép khai thác khoáng sản các loại, hầu hết là các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ nhu cầu xây dựng tại địa phương, trong đó có 59 giấy phép còn hiệu lực (3 đá ốp lát, 30 đá xây dựng, 15 cát xây dựng, 9 vật liệu san lấp, 2 đá xẻ xây dựng); Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 8 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có 7 Giấy phép còn hiệu lực (1 nước khoáng, 2 titan, 4 đá ốp lát).
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo rà soát việc, kiểm tra việc khai thuế của doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bốc xếp, vận chuyển khoáng sản đúng tải trọng thiết kế của phương tiện vận tải, xuất hóa đơn để tránh thất thu thuế; đồng thời yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
Kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác mỏ theo thẩm quyền đối với các đơn vị đã được thanh tra, kiểm tra, đã chỉ ra các sai phạm nhưng không khắc phục; Xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương thực hiện không đúng các quy định về quản lý khoáng sản; Thu hồi các mỏ đã được cấp phép nhưng nhiều năm chưa đưa vào khai thác. Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu hút các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản.
Ông Bạch Văn Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước
Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bảo vệ tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn huyện Ninh Phước có 10 đơn vị được cấp giấy phép của tỉnh. UBND huyện thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động khai thác, tập kết và kinh doanh khoáng sản; việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường, an toàn lao động và an ninh…
Nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện, đồng thời, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác, tập kết, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
Các đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết trước khi tiến hành khai thác mỏ như: ký hợp đồng thuê đất, lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường, ký quỹ môi trường, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Trong quá trình khai thác đã tổ chức khai thác đúng vị trí, diện tích được cấp phép, chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường và các quy định của địa phương; thực hiện việc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn
Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khai thác khoáng sản
UBND huyện Ninh Sơn đã tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ TN&MT và của UBND tỉnh Ninh Thuận trong quản lý hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến khoáng sản; từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện, cụ thể:
UBND huyện đã ban hành Công văn số 1474/UBND-TH ngày 19/5/2023 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện; Quyết định số 1534/QĐ-UBND ngày 31/5/2023 về việc thành lập Đoàn Kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn theo chức năng nhiệm vụ được giao của từng ngành, đơn vị và địa phương nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Khoáng sản chưa khai thác được UBND các xã quản lý chặt chẽ theo quy định. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội của huyện và các xã thực hiện tương đối tốt trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động khai thác cát trái phép của hộ gia đình, cá nhân bằng phương pháp thủ công tại các địa phương vẫn còn, việc khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát xây dựng ngoài phạm vi mỏ được UBND tỉnh cấp phép vẫn còn xảy ra.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản Sông Cái
Chấp hành đúng quy định, quy trình để giảm tối đa tác động đến môi trường
Là một trong những doanh nghiệp được chọn thực hiện nhiệm vụ nạo vét bãi bồi cuội sỏi, khơi thông dòng chảy tăng khả năng thoát nước về phía 2 bên bờ sông nhằm làm giảm áp lực nước về hạ du và thực hiện công tác kè 2 bờ nhằm hạn chế thấp nhất sạt lở bờ sông, chúng tôi nhận thấy, các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận đã triển khai rất hiệu quả các quy định liên quan đến quản lý cát, sỏi lòng sông, thường xuyên cập nhật cũng như hướng dẫn cho doanh nghiệp những nghị định và thông tư mới liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường: Các doanh nghiệp phần lớn đã nghiêm túc chấp hành, khai thác đảm bảo an toàn, giảm tối đa tác động đến môi trường.
Ngoài ra, sản phẩm tận thu luôn được tuân thủ theo đúng giá bán đã được Sở Xây dựng niêm yết cũng như thông báo giá hàng tháng gửi cho các cơ quan chức năng. Hoạt động của Công ty hiện đang tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho nhiều lao động, đóng góp ngân sách cho địa phương. Chúng tôi luôn ý thức việc phối kết hợp với địa phương để hoạt động nạo vét, kinh doanh không ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, thường xuyên tưới nước các cung đường vận chuyển cát, sỏi. Bên cạnh đó, Công ty luôn góp phần vào công tác an sinh xã hội ở thôn, xã; ủng hộ các quỹ khuyến học, ủng hộ người nghèo…
Ông Nguyên Đức Du – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư TM và XD Nam Khánh
“Gỡ khó” cho doanh nghiệp trong cấp quyền khai thác khoáng sản
Sau khi doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền cấp quyền khai thác khoáng sản, để mỏ đi vào hoạt động khai thác, chế biến, thường phải mất từ 1 – 3 năm để làm các thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, thủ tục đầu tư… tuy nhiên, trong giai đoạn này, theo Luật Khoáng sản thì doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác (từ khi có giấy phép) mặc dù chưa khai thác…điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vừa phải giải phóng mặt bằng, vừa làm các thủ tục đầu tư, vừa phải nộp tiền cấp quyền…
Luật mới nên tạo điều kiện 3 năm đầu cho doanh nghiệp đóng 50% số tiền cấp quyền hằng năm, số tiền sẽ tăng dần trong 3 năm tiếp theo, đến năm thứ 7 sẽ đóng bình thường theo quy định.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp phải chủ động tìm nguồn nước phục vụ sản xuất phù hợp, áp dụng các biện pháp tuần hoàn nước khoa học thì UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan cũng nên có kế hoạch nạo vét, đắp đập, mở rộng hệ thống hồ thủy lợi để có thể tăng lượng nước dự trữ, giữ được lượng nước lớn trong mùa mưa, điều hòa nguồn nước cho nông nghiệp, chăn nuôi, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trong giai đoạn khô hạn.