Kỳ 1: Duy trì vai trò đột phá
Những năm đầu bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngành Công nghiệp Đắk Nông đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức, các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh từng bước có những bứt phá mạnh mẽ.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu “Xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên”; “Trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia” đến năm 2030.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, sản xuất công nghiệp của Đắk Nông đã có mức tăng trưởng khá, từng bước khẳng định vị trí một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2021-2022, tăng trưởng bình quân của ngành Công nghiệp trong GRDP của Đắk Nông là 10,93%.
Chắt chiu cơ hội
Là một trong những doanh nghiệp đầu tàu trong phát triển kinh tế của tỉnh, Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) đã có những bước đi khá cẩn trọng để bước qua những thăng, trầm của thị trường.
Với các giải pháp linh hoạt, trong những năm đầu của dịch bệnh, Công ty vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Thể hiện rõ nhất là sản lượng sản xuất của Công ty được tăng đều qua các năm.
Cụ thể như năm 2021, sản lượng hạt điều tại Công ty tăng 30% so với năm trước; năm 2022 tăng 50% và năm 2023, dự kiến cũng tăng 50%.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng điều xuất khẩu của Công ty đạt khoảng 5.000 tấn, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho hay, trong bối cảnh khó khăn chung, Công ty đang tận dụng tối đa các lợi thế để xúc tiến thị trường cho sản phẩm hàng hóa.
Hiện tại, thị trường châu Âu và Mỹ đang thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Mặt hàng nhân điều trắng qua câc thị trường này gần như bị thu hẹp.
Vì vậy, toàn bộ công suất của nhà máy hiện đang được Công ty tập trung cho sản xuất hạt điều rang muối. Sản phẩm này hiện đang có thị trường tốt hơn.
Đặc biệt, từ cuối năm 2022, Công ty đã phát triển mạnh 2 kênh bán hàng hiệu quả cho sản phẩm hạt điều rang muối tại thị trường Trung Quốc, đó là online và thông qua các đại lý.
Toàn bộ sản phẩm sản xuất ra sẽ được Công ty chuyển qua đại lý bên nước bạn và trực tiếp đi phân phối cho khách hàng, không phải qua khâu trung gian. Chi phí phát sinh cho sản phẩm giảm đáng kể, sức cạnh tranh trên thị trường gia tăng”
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức
Tiếp nối những lợi thế sẵn có, đầu năm 2023, DNTN Toàn Hằng (Đắk R’lấp) đã mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến trái cây tại xã Đắk Wer, với tổng số vốn đầu tư là 5 triệu USD.
Nhà máy được xây dựng với tổng diện tích 6.000m2. Trước mắt, nhà máy sẽ tập trung vào cấp đông các loại cây ăn trái như: sầu riêng với công suất 250 tấn/ngày; bơ với 5 tấn/ngày và chanh dây là 5 tấn/ngày.
Doanh nghiệp sẽ phối hợp để xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn phát triển theo chuỗi liên kết giá trị gia tăng. Nguyên liệu đầu vào được áp dụng theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, Rainforest, 4C…
Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đứng đầu toàn tỉnh về chế biến và xuất khẩu cà phê. Riêng niên vụ 2022, công suất chế biến cà phê của doanh nghiệp đạt 30.000 tấn. Doanh thu từ xuất khẩu cà phê đạt trên 3 triệu USD.
Từ quý I/2021 đến quý I/2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của Đắk Nông là 1.518 đơn vị, với tổng vốn đăng ký là 11.222 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ. Trong đó, doanh nghiệp gia nhập thị trường thuộc lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chiếm 21,7%.
Đột phá để tăng trưởng
Giai đoạn 2021-2022, tăng trưởng bình quân của ngành Công nghiệp Đắk Nông trong GRDP là 10,93%. Riêng năm 2022, giá trị gia tăng ngành Công nghiệp đạt 4.548 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2020.
Trong giai đoạn 2021-2022, đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Đắk Nông đều tăng mạnh so với kỳ trước. Ngành Công nghiệp dần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nổi bật là Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ có công suất 650.000 tấn/năm. Trên thực tế, với lượng quặng khai thác, năm 2021, Nhà máy đã sản xuất được gần 730.000 tấn alumin và năm 2022 với 715.000 tấn, vượt 15% so công suất thiết kế.
Nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm trực tiếp cho 1.100 lao động tại địa phương và kéo theo các loại hình dịch vụ trong vùng dự án cùng phát triển.
Mặt khác, thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông, lâm sản dồi dào cũng được khai thác hiệu quả. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp được chế biến công nghiệp ngày càng tăng cao. Một số nhà máy chế biến nâng công suất và mới đưa vào hoạt động.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho rằng, đối với công nghiệp, có được những kết quả trên là nhờ tỉnh đã triển khai các đột phá mang tính chiến lược.
Đáng chú ý nhất là việc tỉnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng hoạt động sản xuất, phát triển công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp (KCN). Đến tháng 3/2023, các KCN đã thu hút được 43 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký là 18.421,5 tỷ đồng, vốn thực hiện là 4.019,2 tỷ đồng.
Trong đó, có 33 dự án đã đi vào hoạt động, 10 dự án đang triển khai. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy KCN Tâm Thắng (Cư Jút) là 92,15%; KCN Nhân Cơ (Đắk R’lấp) 86,5%.
KCN Nhân Cơ 2 mới được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng, với quy mô 400ha. Tổng vốn đầu tư cho dự án với hơn 1.442 tỷ đồng.
Nhiều dự án thủy điện, năng lượng tái tạo hiện đã đi vào hoạt động, mở ra những dư địa phát triển mới cho ngành Công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Đến năm 2022, tỷ trọng của ngành Công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Đắk Nông chiếm 11,38%. Sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước.
(Còn nữa)