Việt Nam là nước chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu: nước biển dâng, sụt lún… gây tổn thất kinh tế lớn, ước tính 4,3 tỷ USD trong 10 năm tới. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank -WB), chi phí để Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng tăng, khoảng 368 tỷ USD từ nay đến năm 20240. Việc huy động tài chính xanh là một trong những nỗ lực của Việt Nam và tất cả các bên phải vào cuộc để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tài chính xanh trên hành trình chuyển đổi xanh không thiếu những thách thức.

Nhiều thách thức trên hành trình chuyển đổi xanh

Tại hội thảo “Tài chính xanh cho phát triển bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Asia 2024 được tổ chức ngày 29/5, đại diện các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã chia sẻ một số thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trên hành trình chuyển đổi xanh.

W-GDD_8964.JPG.jpg
Toàn cảnh hội thảo “Tài chính xanh cho phát triển bền vững” ngày 29/5 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn, Khối Ngân hàng bán buôn BIDV, chúng bao gồm các quy định xanh và chính sách trên thị trường quốc tế ngày càng chặt chẽ, buộc các doanh nghiệp phải nắm vững được tiêu chuẩn xanh với hàng hóa xuất khẩu, trách nhiệm của nhà sản xuất với phát triển xanh bền vững, trách nhiệm khai báo thông tin… Việt Nam cũng ban hành các quy định mới, nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn các ngành như đo đạc, kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính, quản lý chất thải… Do đó, chi phí sản xuất kinh doanh cũng tăng lên.

Thiếu nguồn cung tài chính là một trong các thách thức lớn vì để chuyển đổi được sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, bền vững, doanh nghiệp cần phải đầu tư, trong khi dự án xanh, bền vững lại đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong thời gian dài. Hiện tại, tài chính xanh ở Việt Nam tập trung vào các tổ chức tín dụng lớn, chưa có nhiều tổ chức tín dụng nhỏ quan tâm.

Ông Nguyễn Như Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần JETPA, chỉ ra các rào cản khi triển khai khoản vay xanh tại Việt Nam, đó là các quy định, định nghĩa về danh mục, ngành, lĩnh vực xanh chưa thống nhất; cơ chế, chính sách chưa thực sự hỗ trợ phát triển tín dụng xanh; nhận thức và hiểu biết về đầu tư xanh còn hạn chế; rủi ro cho ngân hàng vì các dự án xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao.

Từ góc độ của nhà cung cấp hệ sinh thái tài chính số, bà Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc sản phẩm TradeFlat, FPT IS nhận định chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là giải pháp cho phát triển bền vững. Dù mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam có chuyển biến tích cực trong năm 2023 nhưng hầu hết chỉ ứng dụng riêng lẻ, chưa liên kết chặt chẽ, toàn diện.

Ngoài ra, dù khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng là mối quan tâm lớn nhất của nhiều doanh nghiệp, theo khảo sát của VCCI năm 2023 với hơn 10.000 doanh nghiệp, chỉ có 33,9% có khả năng này. Các nguyên nhân chính bao gồm khả năng đáp ứng tài sản đảm bảo, điều kiện vay vốn phức tạp, thủ tục thiếu minh bạch, cần “bồi dưỡng” cán bộ tín dụng; cán bộ tín dụng cố tình gây khó dễ.

Công nghệ số hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Uỷ viên Ban thường vụ VINASA, đồng sáng lập MoMo, thị trường tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng nhất để tạo ra tăng trưởng xanh và cũng đóng góp quan trọng cho chiến lược tăng trưởng quốc gia. Để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng xanh cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khung pháp lý và chính sách hỗ trợ, giúp nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, đồng thời giám sát tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền cho rằng nguồn lực nội tại của Ngân hàng Nhà nước là chưa đủ, cần nhiều nguồn lực từ các tổ chức quốc tế. Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khai thác nguồn vốn quốc tế, hỗ trợ ngân hàng thương mại sử dụng nguồn đó đưa xuống các doanh nghiệp.

W-GDD_9183.JPG.jpg
Đại diện các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp chia sẻ trong phiên thảo luận. Ảnh: BTC

Các nước như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc thực hiện chính sách tăng trưởng bền vững rất hiệu quả và gần như có gói tín dụng hỗ trợ từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đại diện BIDV mong chờ gói hỗ trợ như vậy với các chính sách lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp, thực hiện thông qua ngân hàng thương mại trong nước.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh dễ dàng hơn, các hãng công nghệ trong nước đưa ra một số giải pháp. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp sử dụng các hệ thống phần mềm MISA quản trị, dữ liệu lớn về hành vi, giao dịch của doanh nghiệp sẽ hình thành. Nếu được cho phép, MISA sẽ chuẩn hóa thành bộ hồ sơ gửi cho ngân hàng. Toàn bộ quá trình vay vốn được số hóa sẽ thúc đẩy tài chính xanh, giảm thiểu hổ sơ, nhân lực, khí thải carbon cho môi trường… Nhờ đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng.

Trong khi đó, FPT IS tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp xử lý trên nền tảng số thông qua các công cụ như AI để phân tích dữ liệu, nhu cầu thị trường, quản lý dây chuyền, hay API để thay thế quy trình thường xuyên bằng bot, giảm chi phí nhân công, tiết kiệm tài nguyên.

Hệ sinh thái tài chính số giúp doanh nghiệp kết nối, chia sẻ thông tin liền mạch với ngân hàng, phát triển bài toán tài chính bền vững doanh nghiệp trên cơ sở hỗ trợ đối tác cho doanh nghiệp chủ đạo, thường là doanh nghiệp SME. Các doanh nghiệp chủ đạo trên cơ sở chia sẻ thông tin đối tác cho các ngân hàng sẽ đem lại hiệu quả tài chính bền vững hơn cho SME.

Là đơn vị tiếp cận được nguồn tín dụng xanh từ HSBC để xây trung tâm dữ liệu ở Láng Hòa Lạc, Viettel IDC gặp không ít khó khăn trong quá trình tiếp cận ban đầu do chưa có case study nào, chưa có điều kiện rõ ràng hay hành lang pháp lý. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các trường hợp đi trước trên thế giới, Viettel IDC đã thành công.

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Trưởng phòng kỹ thuật Viettel IDC – chia sẻ một số kinh nghiệm: khi bắt đầu làm dự án phải có mục tiêu ngay từ ban đầu, đó là triển khai để vay vốn tín dụng xanh hay không, vì nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quy hoạch, thiết kế, lựa chọn công nghệ; tìm hiểu tiêu chí của các tổ chức tín dụng, thông lệ, yêu cầu đánh giá, kiểm định tín dụng xanh như thế nào; lên lộ trình đào tạo để có nhân sự đáp ứng được yêu cầu và tham gia dự án liên quan.