Ngày 5-10, tại Hà Nội, Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Thành tựu và những thách thức
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ sinh học đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể cho ngành nông nghiệp trên thế giới.
Theo TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp có những đột phá lớn trong 30 năm qua.
Theo thống kê của Tổ chức Quốc tế về ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), 73 quốc gia đã chấp nhận cây trồng chuyển gen.
Tại Việt Nam, công nghệ này cũng đã bắt đầu phát triển, với hơn 220.000ha bắp chuyển gen được canh tác vào năm 2022, chiếm 26,5% tổng diện tích ngô cả nước.
Mặc dù công nghệ sinh học đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng tại Việt Nam, quá trình phát triển công nghệ này vẫn còn gặp nhiều thách thức. PGS-TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT), nhận định công nghệ sinh học ở Việt Nam đang có độ trễ so với các nước phát triển. “Nguyên nhân chính đến từ những rào cản về cơ chế, chính sách, điển hình là Nghị định 70. Điều này khiến các doanh nghiệp ít mặn mà với việc phối hợp nghiên cứu công nghệ”, ông Ninh nói.
Một thách thức khác được ông Ninh chỉ ra là thiếu sự đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong khi các tập đoàn lớn như Bayer và Syngenta đầu tư hàng tỷ USD vào R&D, với hàng ngàn cán bộ nghiên cứu, Việt Nam lại thiếu nguồn lực để phát triển công nghệ tế bào và công nghệ nano. Các doanh nghiệp trong nước cũng chưa chú trọng đầu tư vào công nghệ di truyền như chỉnh sửa gen và nhân giống vô tính, mặc dù đây là những lĩnh vực được kỳ vọng phát triển mạnh trong 5 năm tới.
Giải pháp và đề xuất từ cơ quan chức năng
Trước những thách thức này, Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường đề xuất Bộ NN-PTNT cần tập trung vào việc xây dựng và khai thác hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm. Các công nghệ tế bào, nano và chỉnh sửa gen cần được ưu tiên để tạo ra các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị kinh tế cao.
Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần quyết tâm ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ trong trồng trọt mà còn trong chăn nuôi, thủy sản và các lĩnh vực khác.
Đại diện Tổ chức Croplife tại Việt Nam cũng thông tin, từ năm 2010, tiến trình đưa giống bắp chuyển gen vào Việt Nam đã trải qua nhiều cột mốc quan trọng. Tháng 3-2010, Bộ NN-PTNT lần đầu tiên cấp giấy phép khảo nghiệm cây trồng chuyển gen tại Việt Nam.
Tháng 8-2014, Bộ NN-PTNT cấp 4 giấy xác nhận sinh vật chuyển gen đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sau đó, đầu năm 2015, Bộ TN-MT cũng cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 4 sự kiện này, cho phép trồng rộng rãi trên đồng ruộng.
Tháng 3-2015, Bộ NN-PTNT đã ra quyết định công nhận đặc cách giống cây trồng chuyển gen đầu tiên tích hợp các sự kiện, đánh dấu mốc bắp chuyển gen chính thức được canh tác tại Việt Nam. Đến tháng 4-2015, bắp chuyển gen lần đầu tiên được chuyển giao đến nông dân Việt Nam để trồng rộng rãi trên đồng ruộng.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 30-9-2024, Bộ NN-PTNT đã công nhận 31 giống bắp chuyển gen, trong đó 6 giống đã được đánh giá an toàn sinh học. Cơ quan này cũng báo cáo, từ năm 2015 đến ngày 30-9-2024, Việt Nam đã nhập khẩu 13.256 tấn hạt giống bắp chuyển gen, chiếm 22,5% tổng lượng giống nhập khẩu, tương đương với diện tích gieo trồng khoảng 662.000ha.
Còn theo Tổ chức Croplife, tổng cộng đến nay, Việt Nam đã có 52 sự kiện chuyển gen được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
VĂN PHÚC
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cong-nghe-sinh-hoc-trong-nong-nghiep-nhung-thach-thuc-con-phia-truoc-post762217.html