Thay đổi tư duy dùng thuốc y học cổ truyền
Hiện nay, rất nhiều nước sử dụng Y học cổ truyền (YHCT) trong phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng cũng như nâng cao sức khỏe. Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời, triển vọng sử dụng thuốc YHCT trong nước là rất lớn.
Tuy nhiên, dùng thuốc YHCT truyền thống có nhiều nhược điểm:
Thứ nhất, do đặc điểm khí hậu của nước ta là nóng ẩm nên việc bảo quản dược liệu rất khó dẫn tới chất lượng của dược liệu bị giảm.
Thứ hai, việc sắc uống truyền thống là phương pháp kì công, tốn thời gian, đồng thời người bệnh nếu sắc không đúng hướng dẫn về kĩ thuật và thời gian có thể làm giảm hiệu quả điều trị.
Thứ ba, nước thuốc thu được thường có mùi và hương vị khó uống, mỗi lần sử dụng thường với một lượng thể tích nước thuốc lớn gây khó khăn cho người bệnh.
Theo PGS.TS Phạm Văn Thỉnh (Phó chủ nhiệm khoa Dược, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), tất cả những nhược điểm trên của thuốc YHCT truyền thống đã được giải quyết bằng việc hiện đại hóa YHCT áp dụng công nghệ mới.
“Việc chiết xuất dược liệu theo hướng hiện đại hóa giúp cho hoạt chất trong dược liệu không bị biến tính như khi sắc bằng nước. Đặc biệt là khi sản xuất ở nhà máy công nghệ cao, chất lượng dược liệu đầu vào sẽ được kiểm soát rất tốt, đồng đều. Chất lượng kiểm nghiệm đầu vào tốt thì mới có thể cho ra sản phẩm tốt”, ông Thỉnh nói.
Ông cho biết, nhờ áp dụng công nghệ mới, người dùng thuốc YHCT không còn phải kì công sắc thuốc, mang đi bất tiện như trước. Thay vào đó, các dược liệu được chế biến, chiết xuất, phun sương dưới dạng hòa tan, khả năng bảo quản được nâng cao, thời gian sử dụng kéo dài hơn.
“Trên thực tế, các nước có nền YHCT phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản… đã sử dụng dạng cốm vị thuốc trong các bệnh viện y học cổ truyền thay cho dạng thuốc sắc thông thường từ nhiều năm trước vì hiệu quả và tiện dụng. Cốm vị thuốc che được mùi và hương vị khó chịu, được chia vào từng gói với liệu lượng chính xác, đóng gói tiện dụng nên người dùng đi đâu cũng mang theo được”, ông Thỉnh cho biết.
Nhà máy chế biến công nghệ cao, quy trình kiểm định chặt chẽ
Cũng theo ông Thỉnh, tại Việt Nam đã có nhà máy chế biến công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GMP – WHO, đảm bảo được chất lượng sản phẩm đồng đều, tiêu biểu như nhà máy ở Phú Thọ của Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam (Vietmec).
Nhà máy sản xuất thuốc y học cổ truyền Vietmec đạt chứng nhận GMP – WHO (Thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO), GMP – HS (Thực hành tốt sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe), kho bảo quản đạt chuẩn GSP – WHO (Thực hành tốt bảo quản thuốc); phòng thí nghiệm đạt chứng nhận ISO 17025, chứng nhận GLP – WHO (Hệ thống an toàn chất lượng phòng thí nghiệm).
Đây là một trong những nhà máy tiên phong tại Việt Nam, với đặc thù chuyên chế biến và bào chế dược liệu thành vị thuốc y học cổ truyền, chiết xuất và cô áp suất giảm, sấy phun sương trên hệ thống tích hợp các thiết bị hiện đại và quy trình công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra gần 300 loại bột hòa tan của các vị thuốc y học cổ truyền và dược liệu.
Ưu điểm của dạng bột phun sương dược liệu này là rất thuận lợi sử dụng, không phải sắc thuốc kể cả trong gia đình cũng như bệnh viện, chất lượng được tiêu chuẩn hóa rất ổn định và hiệu quả điều trị tốt. Thời gian bảo quản dài, tối thiểu 3 năm trở lên.
Vietmec đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tuân thủ chặt chẽ quy trình tiêu chuẩn từ Bộ Y tế về sản xuất các loại sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu với dung lượng sản xuất lớn, chất lượng ổn định và xuyên suốt.
Dược liệu đầu vào để chế biến thành vị thuốc y học cổ truyền được kiểm soát chặt chẽ tất cả các chỉ tiêu định tính, định lượng, hoạt chất, tiêu chuẩn vi sinh, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi đưa vào dây chuyền chiết xuất và sấy phun sương. Sau khi kết thúc dây chuyền, các sản phẩm đầu ra là cao khô vị thuốc tiếp tục được kiểm tra chất lượng chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế.
“Hiện đại hóa YHCT bằng áp dụng công nghệ mới bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm cùng với việc mở rộng quy mô, phát triển các vùng trồng dược liệu… một cách bài bản sẽ giúp Việt Nam tham gia, cạnh tranh được với thị trường dược liệu toàn cầu. Có thể nói, việc ứng dụng và phát triển cốm vị thuốc vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người tại Việt Nam sẽ là hướng đi tất yếu trong tương lai”, ông Thỉnh nhận định.
Bảo Anh