Bên cạnh vai trò trong việc trao truyền kiến thức, dưới tác động của công nghệ, vị thế, mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh cũng có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó, kiến thức ở trường sư phạm chưa kịp cập nhật để giáo viên (GV) biết vận dụng phù hợp. Ngược lại, học sinh (HS) thế hệ hiện nay đã chạm đến công nghệ ở mọi lĩnh vực, nhưng không phải em nào cũng được trang bị đầy đủ kỹ năng và văn hóa sử dụng. Vì thế mới dẫn đến những câu chuyện gây tranh cãi về ứng xử giữa GV-HS.
Với nhiều HS thuộc các thế hệ trước khi có công nghệ hiện diện trong mọi ngóc ngách cuộc sống, GV là hình ảnh rất tôn nghiêm, đôi khi xa cách. GV trước mặt học trò ngày ấy hết sức đạo mạo, thậm chí chúng tôi đôi khi tự hỏi thầy cô “có ăn cơm, ngủ nghỉ, sinh hoạt như người thường hay không?”. Ngày nay, chỉ cần vào các ứng dụng mạng xã hội, HS thậm chí biết được sáng nay cô giáo ăn gì, kỳ nghỉ vừa qua thầy đã đi đâu?… Điều gì cũng có 2 mặt. GV và HS xa cách quá đôi khi hạn chế sự thấu cảm nhưng gần gũi và thân mật quá cũng dễ khiến vi phạm chuẩn mực.
Ngày nay, trong dạy và học cũng như hoạt động ngoài nhà trường, GV và HS thường xuyên giao tiếp trên môi trường mạng. Trong môi trường đó, về mặt tâm lý, ai cũng thấy thoải mái, cởi mở hơn. Chính vì vậy, đôi khi khó kiểm soát ngôn từ, cảm xúc. Những hành vi, suy nghĩ thoải mái, tự nhiên từ “cõi mạng” lại được vận dụng trong đời thực khiến ứng xử giữa GV và HS có lúc không còn sự chuẩn mực.
Có thể nói, nghề giáo là một trong những nghề vất vả và chịu nhiều áp lực nhất hiện nay, khi công nghệ phát triển, mọi việc đều có thể chịu sự kiểm soát, sát hạch của xã hội.
Nhà giáo còn đứng trước thách thức với sự hiện diện thường trực của câu hỏi “Liệu GV có bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế?”. Câu trả lời còn có thể gây ra nhiều tranh luận về vai trò trao truyền kiến thức khi đến nay ai cũng thấy chức năng này không còn là “độc quyền” của nhà giáo. Bằng chứng là nhiệm vụ trao truyền kiến thức đang ngày càng được “chuyển giao” mạnh mẽ hơn cho AI. Tuy nhiên, dù AI phát triển đến đâu thì có một điều vẫn không thể thay thế được GV; đó là sự đồng cảm, quan tâm sâu sát đến từng HS với năng lực khác nhau thông qua giao tiếp trực tiếp với sự tôn trọng, yêu thương dành cho HS. Nhà giáo lúc bấy giờ trở thành người truyền cảm hứng để HS có khát khao, ước mơ chinh phục đỉnh cao tri thức.
Trong môi trường công nghệ phát triển chóng mặt, những bài học nghiệp vụ trong trường đại học không thể bao quát hết mọi tình huống nên đòi hỏi GV trẻ có khả năng giao tiếp sư phạm hết sức khéo léo, linh hoạt. Trong đó công cụ quan trọng nhất chính là đạo đức nhà giáo đến từ lòng yêu nghề, sự chính trực, tình yêu thương HS và cả lòng tự trọng của bản thân. HS cũng cần hiểu công nghệ là phương tiện để tiếp cận GV thuận lợi hơn, giúp việc dạy và học tốt hơn chứ không phải là công cụ để xóa nhòa sự tôn kính với người thầy, người cô của mình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cong-nghe-khong-xoa-nhoa-ton-nghiem-185241006215815493.htm