Hậu quả của các hình thái khí hậu cực đoan thời gian qua đã báo trước một kỷ nguyên mới đầu tư có ý thức về khí hậu, đặc biệt là tại Đông Nam Á – khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu do có đường bờ biển dài và đặc điểm là vùng trũng thấp.
Chỉ trong quý 3-2023, Đông Nam Á có 16 công ty khởi nghiệp công nghệ xanh đã huy động vốn với khối lượng giao dịch hàng quý cao nhất trong vòng ít nhất 5 năm qua.
Theo số liệu của Trang tin DealStreetAsia’s, 16 công ty khởi nghiệp này đã thu về 140 triệu USD. Dẫn đầu là công ty tái tạo InterContinental Energy có trụ sở tại Singapore – huy động được 115 triệu USD trong tháng 9 từ quỹ đầu tư quốc gia GIC của thành phố và nhà đầu tư công nghiệp hydro sạch Hy24. Các công ty quản lý chất thải Blue Planet Environmental Solutions, có trụ sở tại Singapore và Rekosistem, trụ sở tại Indonesia, cũng nằm trong số những đơn vị gây quỹ công nghệ khí hậu lớn trong quý 3-2023.
Ngoài ra, một số công ty khác thành công nhờ sự bùng nổ của các khoản đầu tư tập trung vào khí hậu và tác động của nó, như công ty công nghệ nước thải xanh Hydroleap của Singapore – huy động được 4,4 triệu USD; Climate Alpha, một nền tảng phân tích được hỗ trợ bởi AI có trụ sở tại Singapore, đã huy động về 5 triệu USD.
Trong suốt năm 2023, nhiều quỹ tập trung vào tác động và khí hậu đã xuất hiện ở châu Á và Đông Nam Á để hỗ trợ các doanh nhân xây dựng giải pháp nhằm giảm thiểu những thách thức liên quan đến khí hậu. Có thể kể tới công ty đầu tư mạo hiểm TRIREC của Singapore, công bố quỹ khí hậu trị giá 100 triệu USD vào tháng 5-2023 với sự hợp tác của công ty công nghệ năng lượng Thái Lan Innopower và The Radical Fund.
Chỉ trong tháng 12, nhà xây dựng liên doanh công nghệ khí hậu Wavemaker Impact đã đạt được thành công với quỹ đầu tư trị giá 60 triệu USD, trong khi British International Investment có trụ sở tại Anh đã đầu tư vào ba quỹ tài chính khí hậu riêng biệt tập trung ở châu Á. Vào tháng 11, nhà đầu tư Thụy Sĩ ResponsAbility Investments đã công bố chiến lược đầu tư khí hậu trị giá 500 triệu USD và công ty quản lý tài sản Edelweiss Capital Group, có trụ sở tại Thụy Sĩ, đã ra mắt quỹ cổ phần tư nhân trị giá 150 triệu USD để thực hiện các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu ở châu Á…
Chúng ta đang chứng kiến sự hợp tác xuyên biên giới về các công nghệ nhằm tối đa hóa việc khai thác và sử dụng các khoáng sản quan trọng giữa các nước như Australia, Singapore và Indonesia. Chính phủ các nước Đông Nam Á cũng khuyến khích các sáng kiến tích cực nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư công nghệ xanh trong bối cảnh khởi nghiệp công nghệ khí hậu của khu vực vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.
Bước vào năm 2024, các doanh nghiệp châu Á sẽ đối mặt với những thách thức mới về công nghệ, quy định môi trường và địa chính trị, chưa kể đến tác động tiềm tàng của các cuộc bầu cử tại một số quốc gia quan trọng. Tuy nhiên, theo Tờ Nikkei Asia, các nhà đầu tư Đông Nam Á nhìn thấy một tương lai đầy hứa hẹn cho lĩnh vực công nghệ khí hậu và tin đây là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu.
HẠNH CHI