Lái tàu kiêm trưởng tàu
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi có dịp gặp anh Phạm Quang Thành, lái tàu Đội lái máy 9 (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) khi anh đang cùng đồng nghiệp kiểm tra kỹ thuật đầu máy, chuẩn bị cho chuyến hành trình tàu chở hàng tiếp theo.
Anh Thành kể, trước đây, khi đoàn tàu hàng còn trưởng tàu, nhân viên kỹ thuật, lái tàu như anh chỉ phải làm nhiệm vụ kiểm tra tình trạng phanh của đầu máy, đoàn toa xe. Khi ngành đường sắt lắp thiết bị đuôi tàu để thay thế trưởng tàu nên hầu hết các đoàn tàu hàng không cần trưởng tàu nữa.
“Lúc này, lái tàu là người phụ trách đoàn tàu và là người chỉ huy cao nhất trên đoàn tàu, vừa lái tàu, vừa phải thực hiện nhiệm vụ của trưởng tàu nên phát sinh nhiều tác nghiệp”, anh Thành cho hay.
Thực hiện cả nhiệm vụ trưởng tàu, nên với người lái tàu, họ ngại nhất là tàu gặp tai nạn. Nếu có trưởng tàu như trước đây, lái tàu không phải xuống tàu mà trưởng tàu sẽ giải quyết. Nhưng giờ, lái tàu sẽ phải xử lý vụ việc và báo các bộ phận liên quan, nhà ga phối hợp.
“Trong khi chờ đợi nhân viên nhà ga ra hiện trường, ban lái tàu vẫn phải xuống, đi dọc đoàn tàu tìm vị trí nạn nhân, xác định tình trạng, lập biên bản… Lái tàu phải trực tiếp giải quyết nên ảnh hưởng tâm lý khi điều khiển đoàn tàu tiếp tục hành trình”, anh Thành chia sẻ và cho biết, nhờ có nhà ga hỗ trợ, việc giải quyết tai nạn sẽ nhanh chóng và đúng thủ tục quy định hơn.
Lý giải cho lo ngại mất an toàn toa xe, hàng hóa, mất cắp dọc đường, lái tàu Nguyễn Xuân Huy, tài xế trưởng đầu máy 945 (Đội lái máy 8) cho biết, ngành đường sắt quy định, khi tàu dừng đỗ, các ga phải có trách nhiệm trông coi.
Tuy nhiên, trường hợp ban đêm, tàu dừng ở khu tránh vượt, nếu xảy ra mất mát hay sự cố mất niêm phong kẹp chì, lái tàu cũng không biết được. Vì đoàn tàu hàng thường gồm khoảng 20 toa xe, dài khoảng 300m, dừng ở nhiều ga, trong khi nhiệm vụ chính của lái tàu vẫn là tập trung lái tàu an toàn.
“Trường hợp xảy ra mất hàng hóa hoặc mất niêm phong toa xe, vẫn quy trách nhiệm lái tàu. Vì vậy anh em phải thực hiện nghiêm túc quy định mới có thể xác định được trách nhiệm nếu xảy ra sự cố”, anh Huy cho biết.
Áp dụng công nghệ hỗ trợ lái an toàn
Về nguyên tắc hoạt động, thiết bị đuôi tàu thay thế trưởng tàu sẽ cung cấp cho lái tàu các thông số về áp suất gió từ đầu đến cuối đoàn tàu là bao nhiêu, kết nối thông suốt hay chưa. Hành trình chạy tàu, ban lái tàu sẽ theo dõi trạng thái đoàn tàu thông qua thông số hiển thị trên bộ phận thiết bị buồng lái.
Theo ông Nguyễn Phong Hải, Phó trưởng ban An ninh – An toàn, Tổng công ty Đường sắt VN, trước đây, trưởng tàu hàng làm việc trên toa xe phải thường xuyên theo dõi đồng hồ đo áp lực gió, nếu thấy thiếu gió thì báo hiệu cho lái tàu để dừng tàu, kiểm tra; hoặc xả gió cuối đoàn tàu để hỗ trợ lái tàu hãm khẩn cấp. Tuy nhiên, thực tế vẫn có độ “trễ” hoặc sai lệch.
Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt VN quyết định sử dụng bộ thiết bị tín hiệu đuôi tàu hỗ trợ lái tàu biết được các thông số kịp thời. Cụ thể, khi gắn thiết bị đuôi tàu vào toa cuối cùng đoàn tàu, nối với ống hãm, thiết bị sẽ tự động đo áp lực gió và phát tín hiệu lên bộ phận buồng lái ở cabin đầu máy.
Lái tàu ngồi trên đầu máy nhưng vẫn biết trạng thái gió hệ thống ống hãm đoàn xe đủ hay thiếu để xử lý kịp thời; biết được cuối đoàn tàu có xảy ra sự cố như đứt toa không.
“Việc áp dụng công nghệ, sử dụng thiết bị đuôi tàu sẽ thay thế được trưởng tàu hàng, giảm lao động, giảm yếu tố chủ quan, tăng tính an toàn và tăng tính chủ động cho lái tàu”, ông Hải cho biết.
Lái tàu Nguyễn Xuân Huy cho biết, đoàn tàu phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các tính năng, biện pháp an toàn mới được xuất phát. Trước khi chạy phải thử hãm đoàn xe, tức là thử năng lực hãm, tác dụng hãm của đoàn tàu, khi các bộ phận liên quan ký biên bản đầy đủ thì tàu mới được phép chạy.
Còn lái tàu Phạm Quang Thành cho biết, cùng với bộ thiết bị đuôi tàu, ngành đường sắt cũng cho lắp camera trên đầu máy để giám sát tác nghiệp của ban lái trong cabin và giám sát hành trình phía trước đầu máy.
“Có camera giám sát như vậy chính là bảo vệ lái tàu vì bản thân ban lái tàu sẽ phải tuân thủ các quy trình tác nghiệp. Đặc biệt, camera giám sát hành trình sẽ ghi lại tác nghiệp của trực ban chạy tàu, gác ghi, gác đường ngang… nên họ cũng phải tuân thủ quy trình tác nghiệp nghiêm túc, đảm bảo cho lái tàu an toàn”, anh Thành nói.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để hỗ trợ lái tàu trong đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn toa xe, hàng hóa, Tổng công ty cũng quy định các chức danh chạy tàu liên quan phải quan sát thiết bị khi tàu qua, nếu phát hiện thì báo cho lái tàu.
“Các chức danh từ nhà ga đến hệ cầu đường như gác đường ngang, gác hầm… đều có trách nhiệm thực hiện các tác nghiệp theo quy định để vừa giảm tác nghiệp cho người lái tàu, vừa gia tăng biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu”, vị đại diện nói.
Đem lại nhiều lợi ích
Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, việc áp dụng bộ thiết bị tín hiệu đuôi tàu vào chạy tàu hàng được triển khai thử nghiệm từ đầu những năm 2010, sau đó mới áp dụng rộng rãi dần.
Việc áp dụng bộ thiết bị này, ngoài việc hỗ trợ tích cực cho lái tàu trong quá trình điều khiển đầu máy kéo tàu, còn mang lại lợi ích về vận tải. Do hạ tầng đường sắt hạn chế dẫn đến một đoàn tàu hàng buộc phải hạn chế về chiều dài, tải trọng. Khi có thiết bị này, đoàn tàu sẽ không cần toa xe trưởng tàu (toa xe để trưởng tàu, các công nhân làm việc), thay vào đó là một toa xe chở hàng, mang lại hiệu quả về doanh thu.
“Đây là bộ thiết bị rời, cứ khi nào có tàu chạy, lái tàu mới đem bộ thiết bị ra lắp ở toa xe hàng cuối cùng. Đến nay chưa xảy ra sự cố hay rủi ro gì về an toàn chạy tàu, chỉ là lái tàu phát sinh thêm tác nghiệp. Chính vì thế mới phải áp dụng thêm quy trình, quy định nhiệm vụ các bộ phận khác liên quan” vị đại diện chia sẻ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cong-nghe-ho-tro-lai-tau-hai-trong-mot-192231102214331119.htm