Tại Trung tâm Giám sát, tổ chức giao thông đường thủy từ xa (Cục Đường Thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, sơ đồ số của từng tuyến vận tải thủy quốc gia, trạng thái tín hiệu đèn gắn trên các phao luồng, vị trí thiết bị đo và mực nước theo thời gian thực được theo dõi sát.
Áp dụng CNTT đã thay phương thức thủ công trước đây định kỳ đơn vị bảo trì phải dùng phương tiện thủy đi dọc tuyến kiểm tra phao, đèn thậm chí phải đo mực nước theo cách thủ công – nhân công cầm thước đo mực nước.
Hệ thống phao kết nối phần mềm đã giải quyết những bất cập trên. Theo đó, mỗi tuyến luồng đường thủy được xác định, giới hạn bởi dãy phao (xanh, đỏ) hai bên mép luồng, mỗi phao được định vị tại một tọa độ vệ tinh. Khi phao rời khỏi vị trí (hoặc tín hiệu đèn bị mất, cường độ sáng không đủ) sẽ phát cảnh báo tự động trên hệ thống quản lý, đồng thời lưu trữ lại lịch sử di dời.
Từ cảnh báo này, các đơn vị bảo trì lập tức điều chỉnh, khắc phục sớm nhất các sự cố phao, đèn để bảo đảm luồng tuyến thông suốt.
Ngoài ra, hệ thống cũng giúp giám sát việc khắc phục của đơn vị bảo trì cũng như xử lý kịp thời các trường hợp phao bị mất trộm hay tàu thuyền, thiên tai gây trôi dạt.
Được biết, đây chỉ là một trong số các ứng dụng công nghệ đã được triển khai tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam với hơn 2.500 phao, 63 trạm đo mực nước tự động giúp phát huy kết quả thiết thực.
Trao đổi với PV VietNamNet, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Lê Minh Đạo cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước ngay từ giai đoạn 2015-2016, Cục đã linh hoạt vận dụng để có thể đầu tư được 12 hệ thống các phần mềm nghiệp vụ trong công tác văn phòng, quản lý và công nghệ hoá các công trình kết cấu hạ tầng”.
Mặc dù đã chủ động đầu tư triển khai sớm và đưa vào sử dụng 12 hệ thống phần mềm nghiệp vụ nhưng ông Đạo cũng thẳng thắn bày tỏ do còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý, thiếu sự chỉ đạo và định hướng tổng thể từ các hệ thống của quốc gia, dẫn đến các phần mềm nghiệp vụ được xây dựng phát triển theo nhu cầu tự phát, tại thời điểm nhất định mà thiếu một kiến trúc tổng thể, thiếu sự liên kết và thiếu kế hoạch vận hành bảo trì lâu dài.
“Ngày 6/11/2020, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành quyết định về kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Giao thông vận tải (phiên bản 2.0). Đây là bức tranh tổng thể về hệ thống thông tin của ngành giao thông vận tải với các lớp kiến trúc chức năng, trong đó có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên cơ sở tích hợp các bộ cơ sở dữ liệu nền tảng của các Cục chuyên ngành.
Căn cứ vào các chỉ đạo của Bộ, Cục đã đề xuất và thực hiện thành công Dự án IW-MIS vào năm 2020 với mục tiêu hoàn thành Khung kiến trúc tổng thể. Sau đó, Cục đã tiếp tục đề xuất với Chương trình Aus4Transport tài trợ mở rộng Dự án vào tháng 4/2022 (kết thúc cuối năm 2023).
Đồng thời cũng là nền tảng cho việc xây dựng nội dung Dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn với mục tiêu đến năm 2025, khi dự án hoàn thành, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ có 1 hệ thống thông tin tổng thể đảm bảo số hoá toàn bộ hoạt động của mình, gồm toàn bộ các dữ liệu cơ sở về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy, phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy; dữ liệu quy chuẩn, tiêu chuẩn, vận tải thủy… để phục vụ quản lý, điều hành GTVT thủy theo mô hình công nghệ số”, ông Đạo thông tin.
100% thủ tục hành chính được thực hiện trên hệ thống Một cửa điện tử liên thông
Đơn vị này hiện cũng đang từng bước hoàn thiện tin học hóa các hoạt động tại trụ sở văn phòng Cục. Theo đó, Cục đang triển khai liên thông phần mềm quản lý văn bản của đơn vị với trục văn bản Bộ GTVT, kết nối với các Sở GTVT địa phương. Từ tháng 8/2021, Cục đã sử dụng chữ ký số cá nhân trong phê duyệt hồ sơ công việc và với các đơn vị trực thuộc.
Cục cũng đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình tại 6 điểm cầu (Văn phòng Cơ quan Cục; các Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I, II, III, IV; 2 Chi cục ĐTNĐ khu vực I và III). Phòng họp trực tuyến tại Cơ quan Cục đáp ứng yêu cầu kỹ thuật hội nghị truyền hình của Bộ TT&TT.
Trong năm 2021, Cục đã sửa chữa 2 phần mềm nghiệp vụ cho 2 công trình KCHT ứng dụng công nghệ là: Quản lý và thu thập dữ liệu đo mực nước từ các trạm đo mực nước, quản lý và cập nhật dữ liệu các báo hiệu, đèn báo hiệu có lắp đặt thiết bị định vị tình trạng và vị trí báo hiệu.
Ngoài ra, Cục ĐTNĐ cũng tin học hóa nghiệp vụ quản lý nhà nước nhằm mang đến sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Theo ông Đạo, Cục đã triển khai 37 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa liên quan đến việc xử lý trực tiếp tại Cục ĐTNĐ Việt Nam trên Cổng một cửa và dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên hệ thống Một cửa điện tử liên thông.
Cục ĐTNĐ Việt Nam đang xây dựng các bộ cơ sỡ dữ liệu (CSDL) nền tảng nhằm cung cấp CSDL đầu vào cho hệ thống CSDL dùng chung của Bộ GTVT.
CSDL lĩnh vực ĐTNĐ bao gồm 3 bộ CSDL: CSDL nền tảng về kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, CSDL nền tảng về quản lý Phương tiện thủy nội địa; CSDL nền tảng về quản lý Người điều khiển phương tiện.
Các bộ CSDL nền tảng này đã được Cục tính toán và chia đồng đều cho 2 Dự án IW-MIS và trung hạn để thực hiện song song, kịp đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Đối với Dự án IW-MIS gồm dự án chính và giai đoạn mở rộng, Chương trình sẽ giúp Cục có được Bộ CSDL nền tảng số hoá về kết cấu hạ tầng 55 tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia chính, các dữ liệu về vận tải an toàn giao thông, kho dữ liệu văn bản, kho dữ liệu quản lý cán bộ, kho dữ liệu tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành đường thuỷ; và quy trình xử lý nghiệp vụ quản lý văn bản được tin học hoá.
Đối với Dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, sau khi hoàn thành toàn bộ CSDL số hoá 100% trở thành CSDL nền tảng chuyên ngành kết nối với hệ thống CSDL dùng chung của Bộ GTVT.