SGGP
Ngày 22-6, hãng Reuters đưa tin, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân đã tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhân dịp thăm cấp nhà nước đến Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân (phải) tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng |
Đẩy mạnh hợp tác
Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Ấn Độ công du Mỹ kể từ khi lên cầm quyền từ năm 2014. Do đó, chuyến công du của ông Modi được cả hai bên đặc biệt coi trọng. Theo nguồn tin báo chí Mỹ, trong tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng vào buổi tối, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc phòng, công nghệ cũng như mở rộng hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu.
Theo giới quan sát, bên cạnh quốc phòng, hợp tác về các công nghệ trọng yếu được coi là một động lực hàng đầu của hợp tác Ấn Độ – Mỹ, vốn đã được siết chặt trong những năm gần đây. Tháng 5-2022, Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi đã công bố Sáng kiến Ấn Độ – Mỹ về Công nghệ trọng yếu và mới nổi (iCET), một khuôn khổ liên kết hợp tác về các công nghệ nhằm định hướng và thúc đẩy các hợp tác giữa hai nước – trước hết trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn và điện toán lượng tử. Trong một năm nay, iCET đã cho phép làm sâu hơn và làm rộng thêm các đàm phán hợp tác giữa giới chức Mỹ và Ấn Độ. Theo đó, hai bên đã thảo luận về các mối quan hệ chiến lược và những thách thức chung ở tầm mức mà chỉ vài năm trước đây “là điều không thể”.
Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) và Ban Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Ấn Độ (NSCS) đã dành nhiều thời gian để thiết lập chương trình hành động cho iCET; bao gồm việc tiếp cận với các tập đoàn đầu tư vào công nghệ của tương lai, nhiều tổ chức học thuật tập trung vào các công nghệ trọng yếu và mới nổi, các start-up và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), các nhóm tư vấn, và gần như tất cả mọi bộ, ngành và cơ quan ở Mỹ và ở Ấn Độ có liên quan nhiều đến lĩnh vực công nghệ. 4 tháng qua, hai bên đã bắt đầu triển khai nhiều hợp tác cụ thể, nhân rộng hơn nữa các tác động của tương tác giữa các tập đoàn và tổ chức nghiên cứu hiện đang đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi ở cả hai quốc gia…
Thách thức
Tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm An ninh, chiến lược và công nghệ (CSST) thuộc Observer Research Foundation tại New Delhi (Ấn Độ), nhấn mạnh, hợp tác về công nghệ trọng yếu Ấn Độ – Mỹ có tiềm năng rất lớn, nhưng cũng đồng thời chỉ ra thách thức lớn với Ấn Độ là “cân bằng được các mối quan hệ với các đối tác khác nhau và ưu tiên cho các liên minh chiến lược”. Cho đến nay, Ấn Độ duy trì chính sách “đa liên kết”. Do đó, trong hợp tác với Mỹ, Ấn Độ sẽ khó xem Mỹ như đồng minh, cũng như lo ngại về các trừng phạt hiện tại của Mỹ, đặc biệt do các giao thương với Nga. Trong khi đó, về phía Mỹ, dường như không có các yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến quan hệ với Ấn Độ.
Theo ông Rajagopalan, thành công của iCET về các công nghệ trọng yếu phụ thuộc chủ yếu vào “khả năng triển khai hiệu quả” và khả năng của Ấn Độ trong việc lèo lái giữa các mối quan hệ quốc tế phức tạp, giải quyết các vấn đề nội bộ, cùng lúc với việc tăng cường quan hệ với Mỹ.