Tác phẩm ảnh “Những chú “ong thợ” vượt nắng, thắng mưa dệt dải lụa cao tốc Bắc – Nam” của phóng viên ảnh Trần Huấn – Báo Văn hoá đã xuất sắc đạt Giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII-2023.
20 ngày với 4 chuyến đi…
Để ghi lại những cố gắng vượt bậc của kỹ sư, công nhân ngành giao thông vận tải trong năm 2023. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiến cường, làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”.
Năm 2023, phóng viên Trần Huấn – Báo Văn hóa đã đi dọc các công trường trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam, cùng ăn, cùng ở với các công nhân vào ngày nắng, ngày mưa, ngày nghỉ để ghi lại những hình ảnh vô cùng chân thực, xúc động về không khí lao động hối hả, khẩn trương trên các công trường toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Để thực hiện đề tài này, Trần Huấn đã lên kế hoạch trước đó 6 tháng tìm hiểu về các dự án trên tuyến Bắc – Nam, các công trình và tiến độ, khối lượng công việc và hình thức, phương tiện, thiết bị thi công cũng như đặc thù khí hậu, thời tiết, từ đó để xây dựng kịch bản, bố cục hình ảnh cho đề tài.
Chuyến đi đầu tiên của anh kéo dài 7 ngày từ Hà Nội tới TPHCM vào ngày 23/12/2023, sau đó xuống công trình Nút giao Chà Và (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) thuộc công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ ghi lại không khí thi công hối hả tại công trình này.
Chiều 24/12/2023 phóng viên Trần Huấn từ Cần Thơ đi xe giường nằm lên bến xe Miền Đông TPHCM trong đêm và tiếp tục hành trình bắt xe giường nằm đi ra Bình Thuận.
“2h sáng tôi đến Vĩnh Hảo – Bình Thuận đợi ở đó đến 7h30 sáng để được vào tác nghiệp tại hầm Núi Vung thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do Tập đoàn Đèo Cả thi công. Với nhân lực kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại nhưng rất nhiều các hạng mục tại đây phải thực hiện thủ công. Tôi đã chứng kiến và ghi lại những hình ảnh các kỹ sư, công nhân phải đứng gập người nhiều giờ trong điều kiện chiều cao chỉ khoáng 1,2m để đan khung thép, đổ bê tông vỏ hầm Núi Vung”, anh Trần Huấn nhớ lại.
Phóng viên Trần Huấn kể, để chống lại khói bụi, tiếng ồn, anh Lưu Văn Đánh 37 tuổi quê ở Ninh Thuận, thuộc Tổ thi công mặt đường tập đoàn Đèo Cả phải bịt kín đầu chỉ chừa đôi mắt. 12 giờ trưa, dưới nắng nóng thiêu đốt, cộng hơi nóng bốc lên từ nhựa nóng nhưng công nhân thuộc Đội thảm bê tông nhựa nóng vẫn miệt mài “đội nắng” hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ, kỹ thuật.
Mặc dù công việc rất vất vả và thi công trong không gian chật hẹp, bụi, ồn, điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhưng các kỹ sư, công nhân thể hiện niềm vui và quyết tâm lao động để sớm đưa công trình vào hoạt động.
“13h chiều ăn vội suất cơm tại công trình hầm Núi Vung tôi lại hành trình ra Ninh Thuận và ghi lại hình ảnh tuyến đường cao tốc đã được thi công hoàn thành, uốn lượn qua cánh đồng điện gió đẹp và thơ mộng mà không đâu có được”, anh Huấn nói.
Tiếp tục hành trình đi tìm những khoảnh khắc lao động đẹp đẽ và vinh quang, 18h tại công trường Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đoạn qua Xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa Trần Huấn may mắn ghi lại được hình ảnh những công nhân ăn bữa cơm chiều để chuẩn bị vào ca tối.
Và 3 ngày sau đó tại công trình thuộc địa phận Cam Lâm – Nha Trang đối với phóng viên Trần Huấn là những kỷ niệm không thể quên. Tại đại công trường này anh đã ghi lại những khoảnh khắc về điệu kiện làm việc, cuộc sống và sinh hoạt của kỹ sư, công nhân, làm việc thới tiết nắng nóng, làm ngày làm đêm, đứng khoan trên vác núi cheo leo, ăn tranh thủ tại mặt đường, chung sức đồng lòng, phá đá, xẻ núi, “cõng nắng”, “đội mưa” khắc phục muôn vàn khó khăn, xử lý hàng triệu khối đất đá để mở đường.
“Cảnh 24h đêm công ty cử người mang từng xuất ăn để động viên công nhân làm ca đêm, hình ảnh ông Trần Lệnh Phú – Chủ tịch HĐQT Công ty 194 mặc dù đã 75 tuổi nhưng hằng ngày ra công trường để động viên tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, khắc phục mọi khó khăn của cán bộ, công nhân là những hình ảnh không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của tôi”, Trần Huấn xúc động.
Với phóng viên Trần Huấn, được ăn, được ở và chứng kiến, ghi lại những khoảnh khắc và hình ảnh vô củng ý nghĩa, xúc động về những chú “ong thợ” vượt nắng, thắng mưa dệt dải lụa cao tốc Bắc – Nam tại công trường Cam Lâm – Vính Hảo trong thời điểm đó là kỷ niệm vô cùng ý nghĩa và may mắn đối với anh.
“Vượt nắng, thắng mưa”
Để thể hiện được tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” của cán bộ, kỹ sư, công nhân cho thấy việc thực hiện đề tài phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên dọc tuyến cao tốc Bắc – Nam. Trước mỗi chuyến đi, phóng viên Trần Huấn phải tìm hiểu kỹ thời tiết và địa hình của từng điểm trước cả tuần lễ để kịp liên hệ với Ban Quản lý dự án tạo điều kiện cho phóng viên vào công trình tác nghiệp.
Việc tác nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam mất nhiều thời gian và công sức. Di chuyển tới các công trình để tác nghiệp vô cùng khó khăn, chủ yếu là đường đá hộc và bùn lầy, xa khu dân cư cũng là những trở ngại lớn đối với phóng viên.
“Nắng nóng, gió bụi, mưa, độ ẩm cao, đá bắn gây vỡ ống kính máy ảnh và hỏng các thiết bị tác nghiệp. Tác nghiệp cả ngày đêm trong điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa rét, xa khu dân cư, luôn mang trên người khoảng hơn 15kg thiết bị máy móc đòi hỏi tôi phải chuẩn bị thật tốt điều kiện về sức khỏe, trang bị cá nhân trong quá trình tác nghiệp”, Trần Huấn nói.
Điều khiến phóng viên Trần Huấn cảm thấy may mắn và để lại nhiều cảm xúc nhất trong anh khi thực hiện tác phẩm “Những chú “ong thợ” vượt nắng, thắng mưa dệt dải lụa cao tốc Bắc – Nam” là được ăn, ở, sinh hoạt cùng cán bộ, kỹ sư, công nhân để cảm nhận được hết những khó khăn, vất vả của những chú “ong thợ” từ đó thể hiện bằng những hình ảnh sống động mang tới cho độc giả những góc nhìn chân thực về công việc thầm lặng, gian nan mà hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành giao thông vận tải đang ngày đêm đi trước mở đường.
“Với tôi tác phẩm Những chú “ong thợ” vượt nắng, thắng mưa dệt dải lụa cao tốc Bắc – Nam nhằm động viên khích lệ và ghi nhận những vất vả của hàng chục nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân trên các công trường ngày đêm miệt mài, không quản nắng mưa, giá rét, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn để đào hầm, phá đá, sẻ núi, đắp đường dệt nên tuyến đường cao tốc Bắc – Nam theo chiều dài đất nước.
Họ như những chú ong thợ chăm chỉ ngày đêm, âm thầm, lặng lẽ đi trước mở đường chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, góp sức làm nên tuyến giao thông huyết mạch góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội”, phóng viên Trần Huấn bày tỏ.
Hoàng Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/cong-nang-doi-mua-tren-cao-toc-bac–nam-post302000.html