Ngày 3/1/2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 33 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản thu nhập nói riêng đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm
Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 14 đảng bộ trực thuộc, 468 tổ chức cơ sở Đảng với 38.363 đảng viên. Xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, 10 năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Chỉ thị 33 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy hết sức quan tâm thực hiện. Cụ thể, toàn tỉnh đã tổ chức được 2.955 cuộc phổ biến, quán triệt, tập huấn, tuyên truyền cho 100.391 lượt đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời phát hành 40.591 bản tài liệu, ấn phẩm về nội dung Chỉ thị số 33 và quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, trong năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 2 lớp tập huấn kê khai, công khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, với 3.046 người tham dự. Sau khi được tập huấn ở tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy đã tổ chức quán triệt cho 36.254 lượt đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương mình về kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Qua phổ biến, quán triệt, tập huấn, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập ngày càng nâng lên, xác định rõ trách nhiệm của mình và nghiêm túc thực hiện, đồng thời xem đây là tiêu chí để đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát
Tính từ năm 2014 đến nay, tổng số cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm kê khai là 6.920 cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổng số người phải kê khai là 62.839 người. Số người đã thực hiện kê khai là 62.836 người (đạt 99,99%). Đến nay còn 3 người chưa kê khai do bệnh hiểm nghèo, đang điều trị. Nhìn chung, việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm túc bằng hình thức niêm yết hoặc công khai tại cuộc họp cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời các chi bộ, cấp ủy cũng đã thực hiện công khai các bản kê khai tài sản của đảng viên, cấp ủy viên tại chi bộ, cấp ủy theo quy định. Qua công khai giúp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị giám sát tính phù hợp của bản kê khai, qua đó giúp người kê khai bổ sung, giải trình để bảo đảm đúng quy định.
Cũng trong 10 năm qua, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập được các cấp ủy, cơ quan chức năng quan tâm thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung vào trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức kê khai, công khai, quản lý, kiểm soát việc kê khai và xử lý vi phạm trong việc thực hiện quy định về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Theo kế hoạch, trong 10 năm toàn tỉnh sẽ tổ chức 481 cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra (kế hoạch: 475 cuộc, đột xuất: 6 cuộc) đối với 725 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đến nay, đã triển khai và kết luận 468 cuộc (kế hoạch: 462 cuộc, đột xuất: 6 cuộc). Qua kết luận không có người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nào vi phạm đến mức phải xử lý trách nhiệm do vi phạm quy định về kê khai, công khai, quản lý, sử dụng bản kê khai, xác minh, kết luận, công khai kết luận xác minh trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, có 66 cơ quan, tổ chức, đơn vị có thiếu sót, khuyết điểm như: Chậm xây dựng kế hoạch, không báo cáo, chậm báo cáo kết quả triển khai thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, tổ chức kê khai, công khai, quản lý hồ sơ thiếu sót nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật; đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm và chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai việc kê khai, công khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập.
Cũng qua gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33 và Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể về nội dung các cấp ủy công khai bản kê khai tài sản của cấp ủy viên trong sinh hoạt cấp ủy (cấp ủy cơ sở, cấp ủy cấp trên cơ sở, cấp ủy cấp tỉnh). Nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các nội dung vướng mắc liên quan đến tài sản, thu nhập phải kê khai và quy trình thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập hàng năm của cơ quan kiểm soát thu nhập có thẩm quyền; hướng dẫn nội dung thực hiện Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”; tổ chức các lớp tập huấn để địa phương nắm bắt, thực hiện.
“Thực hiện tốt công tác giải quyết tố cáo, nhất là các tố cáo liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức có vi phạm về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập” – là một trong những giải pháp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy định hướng trong thời gian đến.