Thứ hai, sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán, trình độ phát triển và sự khác nhau về thể chế chính trị, dẫn đến cách tiếp cận về vấn đề nhân quyền cũng như việc giải thích về các quyền sẽ có sự khác nhau. Tất cả những thành tố này sẽ đặt ra vấn đề là phải xây dựng một cơ quan nhân quyền như thế nào vừa đảm bảo tính hiệu quả trong việc thực thi nhân quyền ở khu vực, vừa tôn trọng các lợi ích quốc gia theo đúng nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN: “Tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của người dân ASEAN, đồng thời nhấn mạnh những giá trị chung trên tinh thần thống nhất trong đa dạng” (Điều 2).
Thứ ba, nguyên tắc nền tảng của ASEAN như không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia thành viên cũng sẽ là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới việc xác định thẩm quyền của cơ quan nhân quyền khu vực. Làm sao cơ chế này có thể dàn xếp được các xung đột và va chạm trong khu vực mà không vi phạm nguyên tắc không xâm phạm? Thẩm quyền của cơ quan này sẽ lớn tới đâu? Mức độ cưỡng chế tới đâu? Đây chính là những vấn đề còn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thứ tư, hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước ở các quốc gia thành viên, khác nhau, chưa thực sự hoàn thiện, và thiếu sự cân bằng và kết dính với nhau.
Việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong ASEAN tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức như vậy, nhưng cũng có những thuận lợi cơ bản.
Một là, Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN đã đề cập đầy đủ các quyền con người trên lĩnh vực dân sự, chính trị (gồm 14 quyền), kinh tế, xã hội và văn hóa (gồm 8 quyền). Đồng thời, Tuyên ngôn cũng khẳng định quyền phát triển và quyền được sống trong hòa bình của mọi thành viên trong cộng đồng ASEAN.
Hai là, sự đồng thuận của các quốc gia đối với Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, với sự ra đời của AICHR, là một thắng lợi chính trị, thể hiện quyết tâm của mỗi quốc gia thành viên cũng như của cả tổ chức ASEAN trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Ba là, những nguyên tắc đề ra trong Tuyên ngôn, trong hoạt động của AICHR là những bước đi tích cực không chỉ đối với việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người mà còn ngăn chặn âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Cộng đồng ASEAN có mục tiêu bao trùm là hướng tới người dân, vì người dân và cho người dân. Cộng đồng Văn hóa – Xã hội có mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các cơ hội phát triển, hướng đến bình đẳng và công bằng xã hội, giảm thiểu những tác động liên quan đến môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ. Các nội hàm này của Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy hợp tác với nhau và với các nước bên ngoài khối, tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN và phát triển hài hoà các xã hội với nhau, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.
————————-
Thực hiện: Đại sứ, TS. Luận Thùy Dương, Thiết kế: Hồng Nga, Nguồn ảnh: TTXVN, VGP…