STO – Đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện thường xuyên. Kết quả là ý thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng được nâng cao, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân…
Ý thức người sản xuất, kinh doanh được nâng cao
Thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023” với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại thực phẩm phục vụ người dân hàng ngày. Theo đánh giá của đồng chí Âu Hiền Sĩ – Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, qua kiểm tra thì hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đều ý thức và đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, từ chuẩn bị các thủ tục hành chính về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện sản xuất, đầu tư trang thiết bị đến bảo hộ lao động, đảm bảo vệ sinh lao động… nên chất lượng thực phẩm cũng được nâng lên rõ nét.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Sóc Trăng lấy mẫu chả quế kiểm tra và cho kết quả an toàn. Ảnh: HOÀNG LAN
Tại Cơ sở chả lụa Sáu Hiền, phường 1, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), đoàn đã thực hiện lấy mẫu để kiểm tra và cho kết quả an toàn, cơ sở không sử dụng chất cấm (hàn the) trong quá trình chế biến sản phẩm. Chị Nghiêm Thị Diệu Hiền – quản lý cơ sở cho biết, cơ sở sản xuất, kinh doanh chả các loại cũng được khoảng 4 năm, bà con tại địa phương tin dùng, bởi chị ý thức và trách nhiệm trong sản xuất, chọn nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo quy trình chế biến, bảo quản theo quy định. Nhờ đó, mỗi ngày cơ sở Sáu Hiền tiêu thụ khoảng 30kg chả các loại.
Ghi nhận tại Trung tâm Nhà hàng tiệc cưới Thuận Phát và Coffee Laone cũng tại phường 1, thị xã Vĩnh Châu cho thấy, doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Khu bếp được đầu tư hiện đại, thông thoáng, sạch sẽ; có tủ bảo quản thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín riêng biệt. Nhân viên làm việc tại bếp đều được khám sức khỏe, trang bị đồ bảo hộ lao động… Theo anh Lê Minh Nhật – đầu bếp tại nhà hàng, đơn vị luôn đặt sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu nên quá trình chế biến thức ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các nguyên liệu đầu vào đều được đơn vị nhập từ các công ty có uy tín, có hóa đơn chứng từ. Đặc biệt hàng ngày, sau khi chế biến, đơn vị đều thực hiện lưu các mẫu thức ăn theo đúng quy định.
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng từ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn nên tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm thì vẫn còn không ít cơ sở vì lợi nhuận, hoặc thiếu hiểu biết có thể vô tình hoặc cố ý làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Như trường hợp của cơ sở sản xuất bún, bánh hỏi tại một địa phương trong tỉnh, dù chủ cơ sở chủ động trong đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao năng suất sản phẩm nhưng lại bỏ qua khâu kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu đầu vào (mua hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ), không trang bị đồ bảo hộ cho người lao động… Việc không tìm hiểu và không thực hiện đúng các thủ tục, quy định trong sản xuất của cơ sở có thể xâm hại đến lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, trong quá trình kiểm tra, đoàn liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); truy xuất nguồn gốc thực phẩm thực hiện theo quy định pháp luật… qua đó góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Sóc Trăng kiểm tra tại Cơ sở sản xuất chả lụa Sáu Hiền (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN
Bên cạnh đó, đoàn liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong mua bán, sử dụng thực phẩm, nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chị Trinh (thành phố Sóc Trăng) cho biết, gia đình chị có người lớn tuổi và cả trẻ nhỏ, nên chị rất kỹ trong việc chọn mua thực phẩm, như: thịt, cá, rau, củ… để đảm bảo bữa ăn an toàn, dinh dưỡng cho gia đình. Tuy nhiên, chị khá lo lắng, bất an về nguồn gốc các loại thực phẩm từ khâu nuôi trồng, giết mổ, sơ chế, bảo quản… nên chị mong muốn các cơ quan nhà nước có liên quan tăng cường quản lý; người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng cộng đồng trách nhiệm, nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, để người dân được tiêu dùng thực phẩm an toàn, chất lượng, tốt cho sức khỏe.
Cũng theo mong muốn của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhất là tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm… góp phần giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Thực trạng thực phẩm mất an toàn luôn là chủ đề nóng được người dân quan tâm. Để giải quyết vấn đề này thì rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng; sự giám sát của tổ chức xã hội… cùng cộng đồng trách nhiệm để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân.
HOÀNG LAN