Sự gia tăng đáng ngại nhà khoa học “siêu năng suất”
Bản tin của Tạp chí Nature, một tạp chí khoa học lâu đời của Anh mới đây đăng bài viết Sự gia tăng số lượng tác giả siêu năng suất khiến các nhà khoa học lo ngại của tác giả Gemma Conroy (sau đây gọi chung là bản tin Nature).
Nội dung bài viết nói về cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ và Hà Lan (thông qua một công bố tiền ấn phẩm) trước hiện tượng gia tăng nhà khoa học “siêu năng suất”, trong khi Thái Lan đã bắt đầu điều tra một số tác giả có số lượng công bố đáng ngờ.
Mở đầu bài viết, bản tin Nature chia sẻ thông tin từ một nghiên cứu được công bố dưới dạng tiền ấn phẩm của bác sĩ John Ioannidis, giáo sư ĐH Stanford ở California (Mỹ) và một số đồng tác giả khác.
Công bố tiền ấn phẩm của nhóm nghiên cứu của GS Ioannidis có tiêu đề Các mô hình phát triển của hành vi xuất bản siêu năng suất trong khoa học.
Theo định nghĩa của nhóm GS Ioanidis, nhà khoa học siêu năng suất (extremely productive) là những người công bố hơn 60 bài/năm, và nhận định số lượng nhà khoa học siêu năng suất hiện đã tăng gấp 4 lần so với chưa đầy một thập kỷ trước.
GS Ioannidis và các đồng nghiệp của ông đã thống kê những bài báo khoa học, bài đánh giá và tài liệu hội nghị được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus giai đoạn 2000 – 2022, qua đó xem xét sự gia tăng nhà khoa học siêu năng suất theo quốc gia, theo lĩnh vực (trừ vật lý, lĩnh vực do tính đặc thù nên các nhà khoa học lĩnh vực này vốn dĩ có số lượng công bố nhiều).
Qua đó cho thấy, lĩnh vực y học lâm sàng là nơi tập trung hầu hết tác giả “siêu năng suất” (không tính lĩnh vực vật lý), là nơi có gần 700 nhà nghiên cứu “siêu năng suất” vào năm 2022. Nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất trong số các nhà nghiên cứu “siêu năng suất” (tăng 14,6 lần trong khoảng thời gian từ 2016 – 2022). Tiếp theo là sinh học, toán học và thống kê.
Chỉ riêng năm 2022, 1.266 nhà khoa học (không phải ngành vật lý) đã công bố bình quân 5 ngày/bài (số nhà khoa học “siêu năng suất” năm 2016 chỉ là 387 tác giả). Nhóm GS Ioannidis cho biết, đáng ngạc nhiên là tốc độ tăng trưởng gia tăng rất nhanh bắt đầu từ năm 2016 (có dấu hiệu tăng kể từ 2014).
Nếu tính theo quốc gia, hầu hết các nước đều tăng hơn gấp đôi số lượng tác giả “siêu năng suất” trong khoảng thời gian từ 2016 – 2022. Một số quốc gia thậm chí còn có những bước nhảy vọt. Tiêu biểu là Thái Lan, nếu như năm 2016 mới chỉ có một nhà khoa học “siêu năng suất” thì năm 2022 nước này có 19 tác giả “siêu năng suất”. Đây là nước có tỷ lệ tăng tác giả “siêu năng suất” lớn nhất so với tất cả các quốc gia. Nhưng Ả Rập Saudi mới là nước có sự tăng trưởng lớn nhất số tuyệt đối, tăng từ 6 lên 69 tác giả “siêu năng suất”.
Hệ lụy từ chính sách đếm bài thưởng tiền
Bản tin Nature đã dẫn lời GS Tirayut Vilaivan, thành viên của Văn phòng Liêm chính khoa học, ĐH Chulalongkorn ở Bangkok, Thái Lan nói về sự gia tăng đột ngột nhà khoa học “siêu năng suất” là điều đáng lo ngại đối với chuẩn mực và chính sách phát triển nghiên cứu.
GS Vilaivan cũng cho rằng, một trong những yếu tố khiến cho nước này gia tăng nhà khoa học “siêu năng suất” là do Thái Lan tập trung đầu tư vào bảng xếp hạng đại học mà trong đó việc đánh giá căn cứ vào số lượng công bố và các chỉ số trắc lượng. Nhiều trường đại học của Thái Lan đã sử dụng chính sách thưởng tiền để khuyến khích các nhà nghiên cứu công bố trên các tạp chí nổi tiếng. Nếu các nhà khoa học “chơi” đúng cách, họ có thể kiếm tới một triệu baht (28.000 USD) mỗi năm nhờ công bố khoa học.
GS Vilaivan cho biết thêm, vẫn theo bản tin Nature, sự kết hợp giữa văn hóa “công bố hay diệt vong” đang phát triển ở Thái Lan và chính sách khen thưởng bằng tiền là môi trường nảy nở những “kẻ mờ ám” (shady actors). GS Vilaivan còn cho biết, giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 chính là khoảng thời gian ở Thái Lan bắt đầu xuất hiện tệ nạn đăng bài báo khoa học giả mạo.
Bản tin Nature cũng nêu lý giải của PGS David Harding, ĐH Công nghệ Suranaree, Thái Lan. Theo PGS Harding, sự gia tăng hiện tượng “siêu năng suất” được góp phần bởi chính sách tài trợ nghiên cứu của nước này, chuyển sang ưu tiên các nhóm liên ngành lớn (thay vì các nhóm nhỏ). Vì thế mà nhà khoa học dễ dàng ghi tên mình là tác giả trên nhiều bài báo khoa học hơn.
Điều tra nhà khoa học công bố cao đáng ngờ
Theo bản tin Nature, sự gia tăng số lượng tác giả “siêu năng suất” này làm dấy lên trong giới khoa học mối lo ngại rằng một số nhà khoa học đang sử dụng các phương pháp đáng ngờ để công bố bài báo khoa học. Chính GS Ioannidis, đồng tác giả công bố tiền ấn phẩm đã nói ở trên cho biết: “Tôi nghi ngờ rằng các hoạt động nghiên cứu đáng ngờ và gian lận có thể là nguyên nhân dẫn đến một số hành vi cực đoan nhất. Dữ liệu của chúng tôi cung cấp điểm khởi đầu để thảo luận về những vấn đề này trên toàn bộ giới khoa học”.
Chia sẻ với tác giả bản tin Nature, GS Ioannidis cho rằng, để ngăn chặn làn sóng nhà khoa học “siêu năng suất” đang gia tăng, các tổ chức nghiên cứu và cơ quan tài trợ nên tập trung vào chất lượng công việc của nhà khoa học thay vì số lượng bài báo họ công bố. Điều này sẽ ngăn cản các nhà khoa học đi tắt đón đầu.
Nhưng cũng theo bản tin Nature, cơ quan chức năng của Thái Lan đã nhận thấy có sự không bình thường trước hiện tượng năng suất nghiên cứu khoa học cao đột biến, nên đã bắt đầu điều tra các nhà khoa học có số lượng công bố cao đáng ngờ. Hồi đầu năm, Bộ Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Thái Lan đã điều tra xem liệu hành vi sai trái có xảy ra tại các trường đại học Thái Lan hay không bằng cách kiểm tra các nhà khoa học có thành tích công bố nhiều bất thường, hoặc có một số bài báo nằm ngoài chuyên môn của họ. Cuộc điều tra cho thấy 33 nhà khoa học tại 8 trường đại học đã trả tiền để được ghi tên tác giả vào bài báo, hàng chục người khác bị nghi ngờ đã ghi tên họ trên các bài báo mà họ đã mua.