Trong 95 năm qua, kể từ ngày thành lập (28/7/1929-28/7/2024), các cấp Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Thủ đô nói riêng liên tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chức năng ngày càng có hiệu quả. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức luôn đồng hành, bảo vệ, hỗ trợ, chăm lo cho quyền lợi, đời sống của đoàn viên, người lao động.
Chú trọng nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động
Một trong những thành quả chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động của Công đoàn TP Hà Nội chính là kết quả thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ thực hiện Nghị quyết.
Để xây dựng giai cấp công nhân Thủ đô giỏi tay nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, các cấp Công đoàn TP đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong triển khai thực hiện với phương châm lấy cơ sở là địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên và người lao động (ĐV-NLĐ) là trung tâm; tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của ĐV-NLĐ; nội dung hoạt động ngày càng tập trung hướng về cơ sở.
Đáng chú ý, một số nội dung hoạt động đặc trưng riêng có của Công đoàn Thủ đô tiếp tục được phát triển, nhân rộng và nâng cao hiệu quả. Tổ chức Công đoàn TP có nhiều đề án, giải pháp, cách làm mới, đi đầu trong xây dựng các mô hình mới, hiệu quả có sức lan tỏa được cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động ghi nhận, ĐV-NLĐ trân trọng.
Đặc biệt, thời gian qua công tác tuyên truyền, vận động ĐV-NLĐ học tập nâng cao trình độ, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. LĐLĐ TP Hà Nội chú trọng triển khai có hiệu quả chương trình “Nâng cao trình độ kỹ năng, nghề nghiệp của ĐV-NLĐ” gắn với đề án về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Tính đến nay, có 524.518 đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp (chiến 79% tổng số đoàn viên, NLĐ); 629.645 đoàn viên, người lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn (chiến 61,3% tổng số đoàn viên, NLĐ).
Đồng thời, các phong trào thi đua góp phần nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động cho công nhân lao động được đẩy mạnh, trọng tâm là phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”, “Dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đặc biệt là phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” với điểm nhấn là tổ chức Hội thi thợ của các cấp Công đoàn.
Chăm lo thiết thực, khích lệ tinh thần vươn lên
Cùng với việc quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, tay nghề cho ĐV-NLĐ, LĐLĐ TP cũng đặt nhiệm vụ chăm lo đời sống cho ĐV-NLĐ để họ yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó với doanh nghiệp, tin yêu tổ chức Công đoàn. Chủ tịch LĐLĐ TP Phạm Quang Thanh cho biết: thời gian qua các cấp Công đoàn TP luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho ĐV-NLĐ với nội dung và hình thức đa dạng hơn theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế. Đối tượng chăm lo không chỉ là ĐV-NLĐ gặp khó khăn mà đồng thời quan tâm chăm lo cả ĐV-NLĐ có thành tích cao trong lao động, sản xuất, cán bộ công đoàn tiêu biểu… để khích lệ tinh thần vươn lên và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Các chương trình chăm lo phúc lợi cho ĐV-NLĐ luôn được duy trì hiệu quả. Từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và ngân sách công đoàn, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ cho 1,4 triệu lượt ĐV-NLĐ, với tổng số tiền gần 645 tỷ đồng. Trong đó tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Chợ tết công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng công nhân hằng năm…
Bên cạnh đó, việc chăm lo về nhu cầu nhà ở cho công nhân cũng được TP quan tâm đầu tư như Dự án thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Ðông Anh), có diện tích 20 ha đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở; dự án nhà ở tại khu Công nghệ cao Hòa lạc, các khu công nghiệp Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa…
Điểm nhấn đáng chú ý trong công tác chăm lo đời sống ĐV-NLĐ chính là sau đai dịch Covid-19, trước tình hình các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, cuối năm 2022 LĐLĐ TP đã chủ động xây dựng kế hoạch số 69/KH-LĐLĐ hỗ trợ ĐV-NLĐ gặp khó khăn do bị thiếu việc, mất việc, nợ lương nhân dịp Tết Nguyên đán 2023. Kết quả đã hỗ trợ 1.445 người với số tiền 997,5 triệu đồng.
Đến đầu năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ của Tổng LĐLĐ, Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/1/2023 và Quyết định số 8875/QĐ-TLĐ ngày 25/8/2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ ĐV-NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, LĐLĐ TP đã triển khai tới các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đến thời điểm 31/3/2024 đã hỗ trợ 1.198 ĐV-NLĐ với số tiền 1,799 tỷ đồng.
Hoạt động thương lượng, ký kết Thoả ước lao động tập thể được tập trung chú trọng, có nhiều đổi mới và phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt là Đề án thí điểm “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp” đã góp phần phần tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, đã ký 3.699 bản (đạt tỷ lệ 75,5%, trong đó thỏa ước lao động tập thể loại A, B đạt 46%); được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai nhân rộng, áp dụng trong cả nước.
Các cấp Công đoàn cũng duy trì hoạt động của 92 Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân và 61 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 Cụm văn hóa thể thao; 339 Tủ sách pháp luật tại các Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân với trên 1.000 tủ sách pháp luật tại các doanh nghiệp góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cong-doan-ha-noi-co-nhieu-doi-moi-ve-noi-dung-phuong-thuc-hoat-dong.html