Tham gia Buổi tham quan có đồng chí Nguyễn Bá Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Ban Dân vận Đảng ủy Bộ, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; các đồng chí Phó Chủ tịch, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Bộ Nội vụ cùng hơn 130 đại biểu là nữ công đoàn viên các Công đoàn thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Đây là hoạt động nằm trong Kế hoạch hoạt động của Công đoàn Bộ Nội vụ nhằm giúp công đoàn viên thuộc Công đoàn Bộ Nội vụ hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam qua quá trình hình thành và phát triển, tìm hiểu di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội (Hoàng thành Thăng Long).
* Tòa nhà Quốc hội Việt Nam hiện này có tiền thân là Hội trường Ba Đình được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ XX mục đích chính là để phục vụ các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức chính trị – xã hội. Với diện tích xây dựng khoảng 2.600m2, Hội trường Ba Đình gồm 3 tầng, mặt bằng bố trí theo hình chữ T. Với chức năng là “ngôi nhà chung”, Hội trường Ba Đình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại liên quan đến các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước. Những sự kiện được tổ chức tại đây không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn rất thiêng liêng, thân thiết, là niềm tin, là tình cảm của Nhân dân cả nước đối với Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong hơn 4 thập kỷ, Hội trường Ba Đình đã đảm đương sứ mệnh lịch sử tổ chức các sự kiện lịch sử tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng: 11 nhiệm kỳ Quốc hội; 07 nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng; 05 nhiệm Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc; 05 nhiệm kỳ đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam; 05 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; 06 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam… Ngoài ra, Hội trường Ba Đình còn nơi tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước, các cuộc mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn và các cuộc biểu diễn nghệ thuật.
Nhà Quốc hội là nơi làm việc của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa lịch sử và chính trị hết sức to lớn, với hình thức kiến trúc đẹp, sang trọng, hài hòa, là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đăt nước, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đồng thời cũng là biểu tượng của một nước Việt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sàng hợp tác với bạn bè quốc tế.
Nhà Quốc hội được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 và đưa vào vận hành tháng 10/2014; nằm trên diện tích 0,8ha; mặt chính diện hướng Tây giáp đường Độc Lập, nhìn ra Quảng trường Ba Đình; mặt phía Bắc giáp đường Hoàng Văn Thụ, đối diện Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng; mặt phía Đông giáp đường Hoàng Diệu, đối diện Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; phía Nam giáp đường Bắc Sơn, đối diện Trụ sở Bộ Ngoại giao. Nhà Quốc hội có kích thước mặt bằng 102mx102m, chiều cao 39m, với quy mô xây dựng 5 tầng nổi và 2 tầng hầm.
Kiến trúc tòa nhà thể hiện biểu tượng của sức mạnh, quyền lực của Quốc hội và mang đậm truyền thống văn hóa Việt Nam. Hình tròn tượng trưng cho Mặt trời và Người cha, và hình vuông tượng trưng cho Trái đất và Người mẹ. Phòng họp chính được đặt trên 8 cột tròn bao quanh sảnh chính như một vương miện quý, có vách nghiêng hướng ra ngoài cùng không gian rộng lớn ở lối vào, nhằm bao quát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sảnh chính Nhà Quốc hội là nơi tổ chức các nghi lễ đón tiếp khách trong nước và quốc tế, sảnh trung tâm có diện tích 2.900m2. Xung quanh sảnh trung tâm bố trí các phòng tiếp khách, phòng hội đàm và các phòng đa chức năng lớn nhỏ, khác nhau, được thiết kế trang trọng phù hợp với hoạt động tổ chức lễ tân các cấp độ khác nhau.
Khu vực sảnh trung tâm có 8 cột chính. Tám siêu cột ô van này được chạm khắc hình sóng nước kế thừa biểu tượng Thủy Ba trong điêu khắc truyền thống, nâng đỡ phòng Diên Hồng như một vương miện quý giá, với cấu trúc vách nghiêng hướng ra ngoài cùng không gian sảnh rộng lớn ở lối vào, nhằm bao quát toàn cảnh Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các phòng chức năng trong Tòa Nhà Quốc hội gồm: 1. Phòng họp Diên Hồng; 2. Phòng Tân Trào (Phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); 3. Phòng Thăng Long và các phòng chức năng; 4. Phòng họp Đoàn Đại biểu Quốc hội, tổ Đại biểu Quốc hội; 5. Trung tâm báo chí; 6. Bảo tàng Quốc hội; 7. Thư viện Quốc hội; 8. Khu trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội.
* Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình – Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.
Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 – 1945).
Vào lúc 20 giờ 30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil, tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.
Xúc động trước chuyến tham quan đầy ý nghĩa với những trang sử hào hùng của đất nước, Đoàn viên công đoàn Lê Thị Kim Oanh, Chuyên viên cao cấp Vụ Tổ chức – Biên chế đã sáng tác bài thơ chúc mừng nữ công đoàn viên Bộ Nội vụ. Trong đó có đoạn viết:
“Yêu hơn trang sử nước non,
Tạc ghi công đức cho tròn chữ nhân.
Mời ai Thu lại ghé chân,
Trái tim cả nước một lần Thủ đô!
Mến người yêu cảnh thăm vô,
Một lần ghé lại Thủ đô thăm Thành.
Trời thu nô nức yến oanh,
Chị em Nội vụ thăm Thành thật vui!”.
* Trong khuôn khổ chương trình hoạt động của Công đoàn Bộ Nội vụ, Công đoàn Bộ Nội vụ đã dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sỹ của Việt Nam tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ nằm trên đường Bắc Sơn, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hoàng thành Thăng Long và Điện Kính Thiên.
Một số hình ảnh hoạt động:
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56448