Turnitin, phần mềm vốn đã được sử dụng bởi hơn 10.000 tổ chức giáo dục trên toàn thế giới, đã cho ra mắt một dịch vụ vào thứ Ba (4/4) mà họ cho biết có thể xác định văn bản do AI tạo ra với độ tin cậy 98%.
“Các nhà giáo dục nói với chúng tôi rằng khả năng phát hiện chính xác văn bản viết bằng AI là ưu tiên hàng đầu của họ lúc này”, CEO Chris Caren của Turnitin cho biết. “Họ cần có khả năng phát hiện AI với độ chắc chắn rất cao để đánh giá tính xác thực trong bài làm của học sinh”.
Tuy nhiên, sự ra mắt của công cụ này cũng đang gây tranh cãi. Một số tổ chức, bao gồm Đại học Cambridge và các thành viên khác của Tập đoàn Russell, cơ quan đại diện cho các trường đại học hàng đầu của Vương quốc Anh, cho biết họ sẽ từ chối dịch vụ mới.
Các trường đại học lo lắng rằng công cụ này có thể buộc tội sai sinh viên gian lận, đồng thời có thể chuyển giao dữ liệu sinh viên cho một công ty tư nhân và ngăn cản mọi người thử nghiệm các công nghệ mới như AI.
C. Edward Watson, phó chủ tịch phụ trách đổi mới chương trình giảng dạy và sư phạm tại Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Mỹ, cho biết cũng có “sự nghi ngờ” về tính chính xác của hệ thống do sự phát triển quá nhanh của AI. “Có rất nhiều người không tin rằng nó có thể làm tốt công việc”, ông lo ngại.
Sự phổ biến của ChatGPT đã dẫn đến mối lo ngại rộng rãi rằng học sinh sẽ sử dụng phần mềm này để gian lận trong thi cử. Điều này đã dẫn đến một cuộc tranh luận giữa các học giả, chuyên gia giáo dục và các nhà khoa học trên toàn thế giới để tìm cách đối phó với mối đe dọa nghiêm trọng này.
Mặc dù các trường đại học hoan nghênh rộng rãi công cụ phát hiện việc sử dụng AI để gian lận và đạo văn nhưng họ cần thời gian để đánh giá nó. Vấn đề nằm ở chỗ, các giảng viên sẽ không có cách nào giải thích một cách thuyết phục khi họ buộc tội một bài luận là do AI viết nếu chỉ sử dụng phần mềm như của Turnitin.
Charles Knight, trợ lý giám đốc tại công ty tư vấn Advance HE, nói rằng trong một trường đại học, tỷ lệ sai sót là 1% có nghĩa là hàng trăm sinh viên bị buộc tội gian lận. Và điều này sẽ rất nghiêm trọng. “Chúng ta không biết những kết quả đó có ý nghĩa gì và chúng ta cũng không thể xem phần mềm đã đưa ra những kết luận đó bằng cách nào”, ông cho hay.
Hoàng Hải (theo FT)