Luân chuyển công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 01/2004/TT-BYT “Quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ Y tế và thuộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực y tế tại địa phương” (Thông tư 01/2004/TT-BYT).
Theo thông tư 01/2004/TT-BYT, có 40 danh mục vị trí công tác thuộc 7 lĩnh vực y tế phải thực hiện định kỳ chuyển đổi công chức, gồm: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; dược phẩm, mỹ phẩm, y dược cổ truyền; an toàn thực phẩm, dinh dưỡng; thiết bị y tế; bảo hiểm y tế và khoa học – công nghệ.
Theo đó, áp dụng luân chuyển công tác với các công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, xử lý và trình cấp có thẩm quyền quyết định: cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn, thay đổi, bổ sung, công bố các loại giấy phép, giấy đăng ký, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, số phiếu tiếp nhận hồ sơ; ban hành danh mục, chương trình, tài liệu thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác từ đủ 2 – 5 năm, theo đặc thù của từng vị trí công tác. Thời điểm chuyển đổi vị trí công tác được tính từ ngày có quyết định hoặc văn bản phân công đảm nhiệm vị trí công tác đó. Đối với các quyết định và văn bản phân công đảm nhiệm vị trí công tác đã ban hành trước thời điểm thông tư này có hiệu lực được xét để tính thời gian đảm nhận vị trí công tác đó.
Đối với đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của đơn vị đó thì đơn vị báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp, việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung.
Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào danh mục vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi và tình hình thực tế tại đơn vị để xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; quy định cụ thể thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với từng vị trí của đơn vị.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.4.2024.
Thẩm định cấp phép về y tế dự phòng, khám chữa bệnh
Theo Thông tư 01/2004/TT-BYT, y tế dự phòng có 7 vị trí công tác xét hồ sơ, cấp phép, công bố các loại giấy phép, bao gồm: giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3, cấp 4; số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; giấy xác nhận nội dung quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá; giấy phép hoạt động đối với phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp…) cần thực hiện luân chuyển công chức.
Về khám chữa bệnh, công chức làm việc các vị trí thẩm định cấp phép: hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… cần được luân chuyển công tác, theo kế hoạch của đơn vị, trên cơ sở quy định tại thông tư.
Cấp phép nhiều nhất thuộc lĩnh vực dược, mỹ phẩm
Theo danh sách tại Thông tư 01/2004/TT-BYT, danh mục cần thẩm định, cấp phép nhiều nhất thuộc lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, với 14 loại hồ sơ, giấy tờ.
Các loại cấp phép, bao gồm: giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; chứng chỉ hành nghề dược; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, dược liệu, thuốc cổ truyền; giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP); giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; giấy xác nhận quảng cáo mỹ phẩm; giấy đăng ký lưu hành dược liệu, thuốc cổ truyền theo quy định của pháp luật; giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền; giấy xác nhận nội dung thông tin, nội dung quảng cáo thuốc cổ truyền và điều chỉnh nội dung thông tin, nội dung quảng cáo thuốc cổ truyền…
Ngoài ra, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, thông tư nêu trên quy định 6 vị trí công chức cần được luân chuyển, là các trường hợp tiếp nhận, thẩm định hồ sơ: giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới; xác nhận nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Với lĩnh vực thiết bị y tế, Bộ Y tế quy định áp dụng luân chuyển công tác với các công chức thẩm định, cấp phép (số lưu hành thiết bị y tế; giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với thiết bị y tế; giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định thiết bị y tế trong phạm vi được phân công quản lý; số tiếp nhận hồ sơ công bố cơ sở đủ điều kiện sản xuất thiết bị y tế, hồ sơ công bố cơ sở đủ điều kiện mua, bán thiết bị y tế..).
Về bảo hiểm y tế, luân chuyển công tác với các công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, xử lý và trình cấp có thẩm quyền quyết định danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc tân dược, hóa dược, sinh phẩm và chất đánh dấu; danh mục thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc có kết hợp dược chất với dược liệu, vị thuốc cổ truyền, dược liệu, vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho người bệnh không thuộc khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài…
Thông tư 01/2004/TT-BYT quy định, cấp phép liên quan khoa học công nghệ thuộc ngành y tế, có 2 vị trí cần luân chuyển, là các công chức thẩm định, trình ký chứng nhận đạt thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng; danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ.