Tham dự buổi lễ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng và đông đảo đại biểu.
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/12/2023. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân; phát triển giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; quản lý và bảo vệ rừng; xử lý ô nhiễm môi trường; bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa.
Tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối, tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hệ thống đô thị bền vững; hình thành các tổ hợp về du lịch, dịch vụ và công nghiệp; phát triển du lịch chất lượng cao, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng.
Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Về quy hoạch hệ thống đô thị, định hướng phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong vùng. Gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh gồm 17 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận (Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng), 3 thị xã, 3 huyện.
Trong đó, khu vực nội thành gồm: thành phố Đà Lạt mở rộng (thành phố Đà Lạt hiện hữu và huyện Lạc Dương) và 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lâm Hà (thị trấn Nam Ban, các xã Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh); thành phố Bảo Lộc mở rộng (thành phố Bảo Lộc hiện hữu và 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân); huyện Đức Trọng.
Khu vực ngoại thành gồm 3 thị xã Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh và 3 huyện gồm Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai (huyện Đạ Huoai gồm 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên sáp nhập).
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển hướng tới năm 2030 là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp cũng khẳng định, tỉnh Lâm Đồng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng.
Các dự án tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng đang kêu gọi thu hút ưu tiên đầu tư thời gian tới gồm 227 dự án, bao gồm các lĩnh vực: giao thông vận tải (36 dự án); công nghiệp (11 dự án); văn hóa, thể thao và du lịch (34 dự án); y tế (36 dự án), giáo dục và đào tạo (6 dự án); thương mại, dịch vụ (20 dự án); khu dân cư, khu đô thị (62 dự án); phát triển nông nghiệp (12 dự án); bảo vệ môi trường (3 dự án); khai thác khoáng sản (4 dự án); khối hành chính (3 dự án).
Một số dự án trọng tâm, trọng điểm: khu du lịch quốc gia Đankia – Suối vàng; cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc; cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương; cao tốc Nha Trang Liên Khương (CT.25); nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E; tổ hợp nhà máy tuyến bauxit và chế biến Alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; khu đô thị Liên Khương Prenn; khu đô thị phía Đông Đà Lạt; Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; khu công nghiệp Phú Bình; cảng cạn tại huyện Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc…
Quy hoạch Lâm Đồng 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò nền tảng cho các quy hoạch chi tiết khác trên địa bàn tỉnh, bao gồm quy hoạch đô thị, nông thôn, sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành. Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm chính trong việc thực hiện quy hoạch này.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cong-bo-quy-hoach-tinh-lam-dong-thoi-ky-2021-2030-va-xuc-tien-dau-tu.html