Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế của Bình Định phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển – logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa… Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh đạt từ 8,5% trở lên. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 204 – 213 triệu đồng/người; tổng thu ngân sách đến năm 2030 đạt 30 – 35 ngàn tỉ đồng/năm; tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm (2030); vốn đầu tư huy động giai đoạn 2021 – 2030 đạt 800 – 850 ngàn tỉ đồng; kinh tế số chiếm 30% GRDP tỉnh…
Về phát triển đô thị, đến năm 2030, Bình Định sẽ có 21 đô thị, với 3 thành phố gồm: Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn. Phát triển thị xã Tây Sơn thành cửa ngõ giao thương phía Tây tỉnh… Đến năm 2030, tỉnh phát triển 15 khu công nghiệp, 68 cụm công nghiệp. Đặc biệt, Trung tâm hành chính mới của tỉnh chuyển ra Khu kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đô thị, dịch vụ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc – Nam; có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Bên cạnh đó, Bình Định còn có lịch sử lâu đời, là vùng đất kinh đô của một số triều đại, có nền văn hóa đặc sắc; là miền “đất võ, trời văn” sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh tướng và nhiều danh nhân văn hóa.
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ
“Bình Định luôn xác định công tác xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh. Chúng tôi sẽ tập trung triển khai kịp thời các kế hoạch, các đề án nhằm cụ thể hóa quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo theo đúng quy định pháp luật”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, bản quy hoạch tỉnh Bình Định được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Tỉnh Bình Định sẽ đóng vai trò là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Theo Phó Thủ tướng, Bình Định đã trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động và ổn định của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế – xã hội.
Để đạt được những mục tiêu theo đúng tầm nhìn và định hướng trong Quy hoạch, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng tỉnh Bình Định cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Công bố, công khai rộng rãi Quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi Quy hoạch tỉnh. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương.
Đồng thời, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo; chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất.
“Tôi tin tưởng rằng Bình Định sẽ biến những khó khăn, thách thức thành động lực phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ.
Tại buổi lễ, tỉnh Bình Định cũng long trọng tổ chức lễ trao quyết định quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư đã và đang tìm cơ hội đầu tư vào Bình Định.