Kinhtedothi – Chiều 13/1, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì hội nghị.
2 nội dung quan trọng và cần thiết
Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sở QH – KT, Viện Quy hoạch xây dựng đã hoàn thiện Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội, Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.
Ngày 31/12/2024, UBND TP có Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội và Quyết định số 6809/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035. Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở QH – KT đã công bố 2 quyết định nêu trên.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội, Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 được phê duyệt là 2 nội dung quan trọng và cần thiết triển khai cụ thể hóa một số nội dung xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong đó bao gồm tập hợp các quy định, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án, chỉ tiêu, số liệu nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị TP để triển khai có kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm và tuân thủ theo quy hoạch được duyệt.
Hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2025. Nguyên tắc quản lý kiến trúc TP Hà Nội là tuân thủ Luật Kiến trúc, phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và điều kiện thực tế tại Thủ đô; Ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới kể cả nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; Bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ quốc phòng, an ninh, tài nguyên môi trường, phòng chống thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khi hậu…;
Đảm bảo việc phát triển song hành với giữ gìn, bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống về kiến trúc công trình và tổ chức cảnh quan làng xóm, bảo tồn văn hoá bản sắc của các khu vực; Quản lý kiến trúc cần phải tính đến đặc điểm, đặc thù của từng khu vực, phong tục tập quán, văn hoá truyền thống…; Bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hoà lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Chương trình phát triển đô thị đến năm 2035 xác định mục tiêu đến năm 2030, phát triển Hà Nội thành đô thị hiện đại, trung tâm hỗ trợ thúc đẩy liên kết vùng, trung tâm dịch vụ tổng hợp của cả nước, điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn của quốc tế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 – 70%, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng hiện đại đạt 30%.
Đến năm 2045, Hà Nội trở thành Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế. TP xanh và sinh thái, với sông Hồng là biểu tượng phát triển.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng đạt 50%. Dự kiến sơ bộ tổng số vốn đầu tư phát triển tối thiểu dự báo đến năm 2035 là 2.987.303 tỷ đồng. Trong đó, tổng số vốn dành cho hạ tầng khung là 1.273.791 tỷ đồng. Vốn dành cho nâng cấp đô thị là 1.713.512 tỷ đồng.
Để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được xác định tại Quy chế quản lý kiến trúc TP Hà Nội, Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 được phê duyệt nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở QH – KT, Viện Quy hoạch xây dựng, trên cơ sở Quy chế quản lý kiến trúc và Chương trình phát triển đô thị TP nêu trên, triển khai đăng tải thông tin, hướng dẫn, phổ biến tới các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã để tổ chức triển khai, áp dụng vào công tác quản lý, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thực tiễn tại cơ sở, địa phương; tập trung khẩn trương hoàn thành danh mục và kế hoạch triển khai nghiên cứu lập các quy hoạch, quy chế, quy định có liên quan.
Bốn sở gồm: QH – KT, Xây dựng, GTVT, KH&ĐT, và những sở, ngành TP có liên quan tiếp tục khẩn trương tổng hợp nội dung, số liệu, phối hợp cùng UBND các huyện có liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ Đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận đảm bảo tiến độ trình cấp có thẩm quyền theo đúng chỉ đạo của UBND TP.
Các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP;
Chủ động, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch tại cơ sở theo thẩm quyền; trọng tâm là quy hoạch đầu tư phát triển, quy hoạch chỉnh trang, tái thiết đô thị, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các đồ án thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết những khu vực không gian chức năng, hạ tầng quan trọng của TP, công viên, vườn hoa, quảng trường, công trình văn hóa, công cộng; tăng cường giám sát, quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng đồng bộ đô thị và nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn mong muốn các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phát huy vai trò chủ động, phối hợp, khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, quản lý phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả và công quan trọng, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, văn hiến, văn minh, hiện đại, trong tiến trình hướng tới kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cong-bo-quy-che-quan-ly-kien-truc-va-chuong-trinh-phat-trien-do-thi.html