Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương. Về phía Trung ương có ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, kể từ khi tỉnh Thanh Hóa triển khai đề án DDCI năm 2021 đã khẳng định, địa phương đã có những quyết tâm trong việc giám sát, cải thiện chất lượng thực thi tại cơ sở. Các chỉ số, thứ bậc xếp hạng từ bộ chỉ số này sẽ là cơ sở để các đơn vị nhìn nhận lại mức độ hoàn thành công việc của mình, những hạn chế cần khắc phục, hướng tới mấu chốt tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc VCCI Thanh Hoá đã báo cáo quá trình triển khai khảo sát Chỉ số DDCI năm 2022. Theo đó, Bộ chỉ số DDCI Thanh Hoá năm 2022 vẫn giữ nguyên 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.
VCCI Thanh Hóa đã thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên hơn 5.000 DN, HTX, hộ cá thể để phát ra hơn 12.000 phiếu khảo sát với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cũng theo VCCI Thanh Hóa, tại lần thứ 2 triển khai đề án này, VCCI Thanh Hóa đã sửa đổi, bổ sung một số câu hỏi, phương án trả lời để thông tin thu về chính xác và có tính phân loại cao hơn; đồng thời, các khảo sát viên đã thường xuyên, tích cực trực tiếp xuống địa bàn để hướng dẫn các DN trả lời Phiếu khảo sát. Qua đó, đã nâng cao tính đại diện, khách quan, chính xác và rút ngắn thời gian khảo sát ý kiến của các DN. Kết quả, có 2.746 phiếu khảo sát hợp lệ được đưa vào xử lý dữ liệu tính toán, xếp hạng, trong đó có 1.417 phiếu khảo sát đánh giá các sở, ban, ngành; 1.329 phiếu khảo sát đánh giá các UBND cấp huyện.
Theo kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2022, ở khối các huyện, thị xã, thành phố, có 6 đơn vị xếp ở nhóm tốt gồm UBND các huyện: Thọ Xuân, Như Thanh, Sầm Sơn, Hoằng Hoá, Nga Sơn, Quảng Xương. Trong đó, UBND huyện Thọ Xuân tiếp tục giữ vị trí đầu bảng với số điểm 90,03 điểm. Có 11 đơn vị xếp thứ hạng khá và 9 đơn vị xếp ở thứ hạng trung bình. Có 1 địa phương là UBND thị xã Nghi Sơn xếp ở thứ hạng chưa tốt.
Bên cạnh đó, khối các huyện, thị xã, thành phố cũng có 14/27 đơn vị có sự cải thiện điểm số, trong đó ba đơn vị có mức độ cải thiện ấn tượng nhất là: huyện Quảng Xương, huyện Vĩnh Lộc và huyện Bá Thước. Mỗi đơn vị có điểm số tăng tới 23-24 điểm so với năm trước.
Ở khối các sở, ngành, kết quả khảo sát DDCI 2022 ghi nhận Cục Hải quan là đơn vị dẫn đầu, với 85,10 điểm. Vị trí thứ 2 và thứ 3 thuộc về Sở Công thương và Sở Thông tin và Truyền thông, với lần lượt 80,77 và 80,18 điểm…
Phát biểu tại hội nghị công bố DDCI năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã nhiệt liệt chúc mừng các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã đạt kết quả cao từ sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng DN; đồng thời đề nghị những đơn vị có kết quả chưa được như kỳ vọng sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn để nâng cao chỉ số DDCI trong năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, qua báo cáo kết quả DDCI Thanh Hóa năm 2022 đã công bố và ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội nghị, có thể thấy, số liệu công bố DDCI năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa cơ bản đã phản ánh trung thực, khách quan và đã phân tích được bức tranh về năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
Kết quả xếp hạng DDCI năm 2022 đã góp phần phản ánh rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; những ưu, nhược điểm trong thực thi công vụ; đồng thời nói lên trách nhiệm, nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; sự hưởng ứng, ủng hộ và tham gia khảo sát của các DN đang dần tăng lên; sự phối hợp giữa VCCI Thanh Hóa với cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành ngày càng thông suốt, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện Đề án DDCI tỉnh Thanh Hóa.
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa, tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, VCCI Thanh Hóa và cộng đồng DN tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã được đề ra tại các nghị quyết, kế hoạch, đề án.