Bộ pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp Trung ương.
Chiều 5/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thực hiện nghi thức Công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và các đại biểu cùng nhau công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Ảnh: Internet.
Bộ pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp Trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Bộ pháp điển của Nhà nước Việt Nam là Bộ pháp điển điện tử, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) phục vụ việc tra cứu, khai thác, sử dụng miễn phí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết: Bộ pháp điển điện tử, là sản phẩm chính thức của Nhà nước, là công cụ tra cứu pháp luật một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ, có ý nghĩa, giá trị thiết thực trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu của các quy định pháp luật. Bộ pháp điển góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật và là giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, mở ra những nguồn mới, nâng cao hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước tiến hành rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực ở cấp Trung ương theo trật tự nhất định với bố cục logic, hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển.
Đến nay, sau 10 năm triển khai, Bộ pháp điển Việt Nam cơ bản đã hoàn thành, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) và được khai thác, sử dụng miễn phí, góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Đây là cổng thông tin điện tử đăng tải Bộ pháp điển chính thức do nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý. Việc xây dựng Bộ pháp điển đã góp phần quan trong vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như góp phần vào việc áp dụng và thi hành pháp luật được hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Internet.
Thông qua công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” hơn 8.000 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương; Bộ pháp điển có cấu trúc khoa học, thống nhất, được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được khai thác, sử dụng miễn phí góp phần tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc tìm kiếm, tra cứu, đáp ứng nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy đinh pháp luật đang ngày càng tăng cao, góp phần làm giảm chi phí tuân thủ pháp luật…
Cùng với công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện định kỳ 5 năm một lần. Theo đó, các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương vừa hoàn thành việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 thống nhất trong cả nước.
Qua việc hệ thống hóa văn bản, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tổng hợp, rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp) trong kỳ để xác định và công bố các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực; các văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; các văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần cũng như các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, cần phải sửa đỏi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật./.
Công Đảo