SGGP
“Công bằng xã hội cho tất cả. Chấm dứt lao động trẻ em!” là chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12-6 năm nay.
Trẻ em tại Lilongwe, Malawi |
Nhân dịp này, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo cấp cao bên lề Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 111 đang diễn ra tại trụ sở Liên hiệp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ). Hội thảo tập trung thảo luận mối liên hệ giữa công bằng xã hội và xóa bỏ lao động trẻ em, cũng như các biện pháp để thúc đẩy công bằng xã hội.
Giám đốc Ban Bảo trợ xã hội của ILO, bà Shahra Razavi, cho rằng tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo đầu tư đầy đủ vào bảo trợ xã hội toàn cầu cho trẻ em – mà lý tưởng nhất là thông qua phúc lợi phổ cập cho trẻ để hỗ trợ các gia đình mọi lúc – là lựa chọn phù hợp và đạo đức, đồng thời là lựa chọn mở đường cho sự phát triển bền vững và công bằng xã hội. Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo nhận định gốc rễ của lao động trẻ em bắt nguồn từ sự thiếu công bằng xã hội. Giải pháp để chấm dứt lao động trẻ em là việc làm bền vững, nghĩa là tạo ra nơi làm việc an toàn và lành mạnh cho người trưởng thành, đảm bảo các phúc lợi đầy đủ, bao gồm thất nghiệp, ốm đau, thai sản, khuyết tật và lương hưu, để từ đó họ có thể hỗ trợ gia đình và cho con cái đi học thay vì phải đi làm.
Trang thống kê Theworldcounts.com ước tính trên toàn cầu hiện có tới 218 triệu lao động trẻ em từ 5-17 tuổi, trong đó 152 triệu em phải làm việc ở những điều kiện hết sức nguy hiểm. Trang Theworldcounts.com cũng ước tính với tốc độ như hiện nay, nguy cơ đến năm 2025 sẽ có thêm 121 triệu lao động trẻ em trên toàn cầu. Lao động trẻ em không chỉ giới hạn ở các nước nghèo. Khoảng 84 triệu em ở các nước có thu nhập trung bình và 2 triệu trẻ ở các quốc gia thu nhập cao cũng phải lao vào mưu sinh, dù ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, lao động trẻ em sẽ tăng gánh nặng kinh tế khi bị tai nạn, tổn thương, bị xâm hại; nguy cơ mất trật tự, các vấn đề phức tạp cho xã hội khi trẻ bị sa ngã, từ đó tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, khiến nguồn nhân lực chất lượng tương lai giảm…