Tai nạn trên đường nội bộ, xử lý sao?
Ngày 8.4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phát biểu tại hội thảo, thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó trưởng Công an TP.Thủ Đức, cho rằng hiện có 6 loại đường gồm: đường tỉnh, huyện, quốc lộ, đô thị, chuyên dụng và đường nội bộ.
Cụ thể, trong khu dân cư có đường nội bộ, đây là đường chưa được bàn giao cho địa phương, chưa được đưa vào sử dụng nhưng đã có một bộ phận người dân đến ở. Thế nhưng, tuyến đường này không có biển báo giao thông, nên cảnh sát giao thông của TP.Thủ Đức không có quyền tuần tra, phòng ngừa trên đường nội bộ này. Khi xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến đường này, nếu chúng tôi lập hồ sơ như một vụ tai nạn giao thông, thì cảnh sát giao thông lại không có căn cứ pháp lý.
“Theo tôi lẽ ra khi xử lý những trường hợp này là vụ tai nạn giao thông khác thì đúng hơn, nhưng nếu nói về khái niệm tai nạn giao thông thì lại sai. Do đó, chúng tôi gặp khó khăn về việc xử lý những vụ như thế này trên đường nội bộ”, thượng tá Tiên chia sẻ.
Cảnh sát giao thông không được trích 70% tiền xử phạt
Đại tá PGS-TS Trần Thảo (Trường ĐH Cảnh sát nhân dân) cho rằng, tại khoản 1 điều 5 của dự thảo luật trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất quy định lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hiện tại, khoản 1 điều 5 của dự thảo về chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chỉ còn quy định: “Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Theo đại tá Thảo, quy định như hiện tại trong dự thảo là phù hợp.
Ngoài ra, cũng theo đại tá Thảo, tại khoản 2 điều 37 dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: “Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu; giá khởi điểm một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 5 triệu. Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định cụ thể giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá”.
Theo đại tá Thảo, không nên quy định mức đấu giá cụ thể, quy định như trên vì sẽ không phù hợp trong từng thời điểm cụ thể. Vì vậy cần chỉnh sửa khoản 2 thành: “Giá khởi điểm của một biên số xe ô tô đưa ra đấu giá do Chính phủ quyết định, căn cứ điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ”.
Cảnh sát giao thông có được khám xét người vi phạm giao thông?
Ngoài ra, đại tá Trần Thảo (Trường ĐH Cảnh sát nhân dân) cho hay, cần bổ sung vào khoản 5 điều 64 quyền hạn của cảnh sát giao thông được khám người, phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông trong trường hợp cấp bách cho phù hợp với quy định tại điều 127, 128 luật xử lý vi phạm hành chính 2020.
Đồng tình với quan điểm trên của đại tá Thảo, theo thượng tá Tân Xuân Tiên, cần tôn trọng danh dự nhân phẩm, tính mạng của người vi phạm giao thông. Tuy nhiên, theo thượng tá, nên quy định cho cảnh sát giao thông được quyền kiểm tra, khám xét người vi phạm giao thông. “Nếu đối tượng nào manh động, vi phạm thì cảnh sát giao thông cũng được sử dụng vũ lực”, thượng tá Tiên bổ sung.