Thời gian qua, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm quản lý tình hình di cư và thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM).
Thượng tá Phạm Ngọc Hùng, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thái Nguyên, trao đổi tại Tọa đàm ‘Di cư an toàn vì lợi ích của tất cả mọi người’ do Báo Thế giới và Việt Nam phối hợp với Báo Thái Nguyên thực hiện tại tỉnh Thái Nguyên ngày 25/12. (Nguồn: Báo Thái Nguyên) |
Thượng tá Phạm Ngọc Hùng, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ những biện pháp đồng bộ và một số phương hướng hành động của Công an tỉnh nhằm thực hiện Thỏa thuận GCM, bảo đảm di cư an toàn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Xin ông cho biết tình hình người lao động di cư ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên? Công tác quản lý người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài được Công an tỉnh Thái Nguyên triển khai như thế nào?
Về tình hình lao động di cư ra nước ngoài, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, số người địa phương đi lao động, làm việc ở nước ngoài có thời hạn và hợp pháp là khoảng 7.000 trường hợp. Số lao động trái phép (chủ yếu là ở Trung Quốc, Campuchia…) khoảng 4.000 trường hợp.
Về triển khai công tác quản lý dòng người di cư, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như của Bộ Công an về thực hiện Thỏa thuận GCM, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm quản lý lao động di cư, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng di cư tự do và di cư trái phép. Cụ thể là, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và các huyện, thành trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về vấn đề di cư. Điển hình như tham mưu thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay”; tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo số 4661/UBND-NC ngày 7/11/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên về thực hiện Chỉ thị số 01…
Đồng thời, Công an tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các đơn vị nhiệm vụ, Công an các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ban ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động, những nguy cơ, tác hại của việc xuất cảnh, di cư trái phép, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm đưa người đi nước ngoài, trái phép…
Ngoài ra, Công an tỉnh cũng sử dụng các biện pháp hành chính như: quản lý về dân cư, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, xuất nhập cảnh để tiến hành theo dõi quản lý, phân tích, đánh giá và tích lũy có hệ thống các số liệu về di cư tại địa phương, làm căn cứ, cơ sở để tham mưu lãnh đạo các cấp, các sở ngành liên quan làm tốt công tác quản lý đối với số lao động di cư; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động xuất cảnh, di cư trái phép, điều tra, xử lý đối với các hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép.
Các địa phương, bao gồm tỉnh Thái Nguyên, cần triển khai hiệu quả Thỏa thuận GCM trong bối cảnh xu hướng di cư gia tăng thời gian tới. (Nguồn: IOM) |
Trong công tác quản lý người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài, lực lượng Công an tỉnh có gặp khó khăn nào không, thưa ông?
Đa số những người di cư đều xuất phát từ nhu cầu cá nhân, do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, không có thu nhập ổn định mong muốn tìm kiếm việc làm.
Trong khi đó, những đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài lao động trái phép hoạt động ngày càng tinh vi, khó nắm bắt, các đối tượng phạm tội cư trú ở nước ngoài, triệt để lợi dụng phương tiện kỹ thuật, công nghệ để rủ rê, lôi kéo, tổ chức cho người lao động xuất cảnh; bàn bạc, tìm cách trốn tránh, đối phó với cơ quan chức năng, xóa dấu vết tội phạm… dẫn đến khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ (dữ liệu điện tử) và xử lý đối tượng.
Ông có thể chia sẻ một số vụ việc cụ thể mà Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp triển khai bảo hộ công dân địa phương ở nước ngoài trong thời gian qua?
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên qua theo dõi, năm 2023 có 325 công dân không được nước ngoài cho cư trú, trao trả về địa phương, năm 2004 là 150 người, chủ yếu là số cư trú, lao động trái phép tại Trung Quốc.
Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã khởi tố, điều tra 1 vụ với 3 đối tượng về hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” tại Đồng Hỷ; 2 vụ với 4 đối tượng có hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” (huyện Đại Từ và liên tỉnh), xử lý hành chính 50 trường hợp xuất cảnh trái phép, chủ yếu là do bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức đưa sang Trung Quốc lao động.
Xin ông cho biết những biện pháp mà Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai để bảo đảm di cư hợp pháp và an toàn cho công dân trên địa bàn tỉnh?
Trong thời gian qua, nhằm ngăn chặn tình trạng di cư trái phép ra nước ngoài, Công an tỉnh Thái Nguyên tham mưu cho chính quyền UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay”.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền về di cư an toàn cũng được đẩy mạnh đến các đơn vị địa phương, tới người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Từ đó, giúp người dân hiểu và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới, đồng thời nâng cao đời sống an sinh xã hội, nâng cao nhận thức về giáo dục pháp luật cho người dân.
Ngoài ra, Công an tỉnh cũng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm bắt, dự báo tình hình di cư trái phép để chủ động phòng ngừa từ sớm.
Công an tỉnh Thái Nguyên tăng cường các biện pháp quản lý di cư an toàn. (Nguồn: Báo Thái Nguyên) |
Xin ông cho biết phương hướng hành động của Công an tỉnh Thái Nguyên nhằm thực hiện Thỏa thuận GCM, bảo đảm di cư an toàn trong xu hướng di cư gia tăng thời gian tới?
Để thực hiện Thỏa thuận GCM, thời gian tới Công an tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh các mặt công tác như:
Một là, đẩy mạnh công tác tham mưu cho lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp nhân dân có cuộc sống ổn định, môi trường an toàn, nâng cao đời sống…hạn chế tiến tới loại bỏ các nguyên nhân gây ra tình trạng di cư trái phép.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: quản lý cư trú, cấp phát căn cước công dân, hộ chiếu, cải cách thủ tục hành chính về xuất, nhập cảnh; tạo điều kiện cho người dân có đầy đủ giấy tờ hợp pháp trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân xuất cảnh, di cư hợp pháp; đồng thời, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, hạn chế tình trạng giả mạo hồ sơ, xuất cảnh, di cư trái phép.
Ba là, chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phòng ngừa, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn và xử lý theo định của pháp luật đối với các đối tượng, đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://baoquocte.vn/cong-an-tinh-thai-nguyen-day-manh-trien-khai-thuc-hien-thoa-thuan-toan-cau-ve-di-cu-hop-phap-an-toan-va-trat-tu-298820.html